Giáo dục

Mô hình giáo dục độc đáo và hiệu quả

09:34, 16/10/2019 (GMT+7)

Chương trình hợp tác giáo dục giữa Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng và Trường Đại học SUNY Brockport (Hoa Kỳ), với tên gọi “Chương trình SUNY Brockport Việt Nam” qua 20 năm thực hiện (1999-2019) đã cho thấy nhiều kết quả tốt.

Sinh viên Mỹ học tập tại Đà Nẵng tặng ti-vi cho hộ nghèo ở huyện Hòa Vang năm 2018.
Sinh viên Mỹ học tập tại Đà Nẵng tặng ti-vi cho hộ nghèo ở huyện Hòa Vang năm 2018.

Từ năm 1999 đến nay, đã có 257 sinh viên (SV) Mỹ tham gia chương trình SUNY Brockport Việt Nam đến Đà Nẵng học tập, nghiên cứu chính trị, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ. SV Mỹ được học tại cơ sở số 29 Đặng Thai Mai (quận Thanh Khê), do các giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Học viện Chính trị khu vực 3... giảng dạy với thời gian mỗi khóa học từ 1 đến 4 tháng. Vừa học tập, các bạn trẻ vừa tích cực tham gia công tác xã hội, dã ngoại, tham quan, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn, người bị bệnh hiểm nghèo... Các SV rất chăm học, tích cực phát biểu xây dựng bài và hầu hết đều đạt kết quả tốt. TS Trần Thị Mai An, giảng viên Khoa Lịch sử - Địa lý, Trường Đại học Sư phạm cho biết, khóa học mùa xuân 2019 có 16 SV Mỹ và tất cả đều đạt loại giỏi.  

Qua chương trình học tại Đà Nẵng, các SV đến từ Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân Việt Nam, về chính sách đối ngoại hòa bình của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chị Grace Pendell (bang New York), học tại Đà Nẵng năm 2017 nói tiếng Việt khá chuẩn và đang sinh sống tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi thấy người dân Đà Nẵng rất phúc hậu, mến khách, đi đến đâu tôi cũng nhận được nụ cười thân thiện và những câu chào hỏi cởi mở, khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng”. Còn anh Kevin Đinh, người Mỹ gốc Việt, lớn lên ở bang Illinois, học tại Đà Nẵng năm 2015, sau đó vào thành phố Hồ Chí Minh dạy tiếng Anh, chia sẻ bằng tiếng Việt: “Đến đây học tập, sinh sống, tôi mới thấy đất nước Việt Nam thật an bình và con người Việt Nam hiền hòa. Thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đã lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, dòng sông Hàn thơ mộng với Lễ hội pháo hoa quốc tế đầy ấn tượng và hấp dẫn mãi mãi khắc sâu trong tim tôi!”.

Đặc biệt, qua cảm nhận từ Đà Nẵng, nhiều SV Mỹ đã tham gia các diễn đàn quốc tế, đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, tích cực tuyên truyền vận động, góp phần tăng cường sự hiểu biết của nhân dân Mỹ đối với đất nước và con người Việt Nam. Tiêu biểu như anh Jim Lachman (bang New York) thường kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, bày tỏ thiện chí đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam và đã nhiều lần trở lại Đà Nẵng tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam. Anh Jim Lachman còn đến các trường đại học ở Mỹ chia sẻ những trải nghiệm thú vị ở Việt Nam và vận động SV Mỹ đến đây học tập.

Tiến sĩ Susan Herrmann, Giám đốc chương trình SUNY Brockport Việt Nam, cho biết: Từ hiệu quả của chương trình này, số lượng SV Mỹ đến học tại Đà Nẵng liên tục tăng và sự lan tỏa của chương trình trong hệ thống giáo dục Mỹ ngày càng lớn. Cùng với đó, SUNY Brockport Việt Nam tiến hành nhiều hoạt động nhân đạo tại huyện Hòa Vang, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng, Trường Chuyên biệt Thanh Tâm với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng; trong đó, 12 hộ nghèo, hộ có người đau ốm dài ngày, nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ thường xuyên 400.000 đồng/hộ/tháng.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Phạm Hữu Hoa, chương trình SUNY Brockport Việt Nam là một mô hình giáo dục khá độc đáo, vừa đạt kết quả giáo dục tốt, vừa đem lại hiệu quả cao về tuyên truyền quốc tế và đóng góp tích cực trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân của thành phố.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.