Tự chủ đại học: Còn nhiều vướng mắc

.

Tự chủ đại học (ĐH) là một xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi mô hình quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường, việc thực hiện tự chủ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và một số quyền tự chủ chỉ mới dừng lại trên văn bản.

Tự chủ giúp các trường có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, chương trình học, thu hút lượng sinh viên lớn. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong ngày hội việc làm.  							              Ảnh: NGỌC HÀ
Tự chủ giúp các trường có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, chương trình học, thu hút lượng sinh viên lớn. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong ngày hội việc làm.

Quyền tự chủ còn  hạn chế

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều chủ trương, quyết sách sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH; theo đó, tập trung hình thành các ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; trong đó, các ĐH quốc gia, ĐH vùng như ĐH Đà Nẵng hội đủ tiềm lực và truyền thống để giữ vai trò “tiên phong” trong đổi mới và hội nhập, vươn lên vị trí cao trong các bảng xếp hạng ĐH khu vực và thế giới. ĐH vùng có thể nhân lên “giá trị” cho các trường thành viên, hoạch định chiến lược, điều phối và tập trung nguồn lực, kết nối cộng hưởng sức mạnh hệ thống, đồng thời vẫn phát huy, phân cấp và hỗ trợ các trường thành viên triển khai tự chủ ĐH.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước, chỉ có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ; trong đó có Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng - trường ĐH đầu tiên của khu vực miền Trung-Tây Nguyên được Chính phủ cho thí điểm triển khai cơ chế tự chủ ĐH từ tháng 12-2016.
Theo PGS.TS. Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, đánh giá khách quan, tự chủ đại học hiện nay đã góp phần giúp các trường cải thiện được khả năng tài chính, bớt được cơ chế “xin - cho”; buộc các trường không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; các trường năng động hơn, nỗ lực hơn, minh bạch hơn… Tuy nhiên, ở góc độ thực thi các quyền tự chủ khác thì chủ yếu mới dừng lại trên văn bản, việc thực hiện còn rất hạn chế.

Nội dung cốt lõi của tự chủ đại học xoay quanh 3 trụ cột chính đó là: tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính và tự chủ về học thuật. Nếu thực hiện được đúng những quy định trên thì tự chủ đại học sẽ tạo điều kiện rất lớn để các cơ sở giáo dục đại học công lập phát triển. Tuy nhiên, thực tế thực hiện hiện nay cho thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về tự chủ đại học (ngày 24-10-2014) nhưng không đi kèm với việc ban hành hoặc chỉnh sửa các quy định pháp luật khác liên quan nên các trường được tự chủ trên thực tế không có sự khác biệt với các trường chưa tự chủ, vì cùng được điều chỉnh bởi những quy định pháp luật hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt có chăng đó là các trường tự chủ được phép thu học phí cao hơn để bù đắp cho việc không nhận sự hỗ trợ của ngân sách.

Cụ thể, việc mở ngành mới, tổ chức liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục khác mặc dù trong quy chế tự chủ cho phép nhưng trên thực tế hầu như không thể thực hiện vì theo quy định hiện hành, muốn mở ngành, muốn liên kết trường, hằng năm phải được địa phương chấp nhận cho đào tạo bằng văn bản, phải đi xin chỉ tiêu đào tạo từ địa phương… Mặt khác, việc liên kết đào tạo tại địa phương cũng chỉ được thực hiện đối với bậc đại học, không được đào tạo sau đại học.

Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và đãi ngộ cán bộ về lý thuyết là trường được quyền quyết định nhưng thực tế hầu như không thể thực hiện được vì cán bộ, giảng viên trong trường công lập tự chủ đều là viên chức Nhà nước nên mọi điều chỉnh, quyết định liên quan phải thực hiện theo đúng các quy định đối với viên chức.

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng cho thấy: “Thách thức lớn nhất mà các trường phải đối mặt đó là về các nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH còn hạn hẹp, trong khi phải cạnh tranh “sòng phẳng” với các trường ĐH có tiềm lực và sự đầu tư lớn hơn nhiều ở khu vực và quốc tế”. Nếu tiếp tục duy trì các trường ĐH nhỏ lẻ, đơn ngành, ảnh hưởng đến xã hội ở quy mô nhỏ thì khó có thể tham gia vào các bảng xếp hạng ĐH thế giới”.  

Chất lượng là yếu tố “sống còn”

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, vai trò của Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường đã được làm rõ và khác rất nhiều so với trước. Đây là mắt xích quan trọng trong tự chủ đại học, làm rõ hơn tự chủ về tổ chức. Theo đó, Hội đồng trường có thực quyền hơn khi được quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, các chức danh quản lý; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; quyết định chính sách học phí; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường. Từ đây, GS.TSKH Bùi Văn Ga đặt ra vấn đề: “Quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Vậy Hội đồng trường chịu trách nhiệm kiểu gì và chịu trách nhiệm tới đâu? Ví dụ quyết định đầu tư, nhân sự nếu sai chịu trách nhiệm đến đâu? Những điều này phải được làm rõ trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”.

Tự chủ giúp các trường có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, chương trình học, thu hút lượng sinh viên lớn.  Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong ngày hội việc làm.
Tự chủ giúp các trường có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, chương trình học, thu hút lượng sinh viên lớn. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trong ngày hội việc làm.

PGS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y dược - ĐH Huế cũng cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đề cập đến trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong công tác tự chủ, trong đó xác định tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội là hai mặt thống nhất để bảo đảm hiệu quả của nhà trường cũng như hiệu lực quản lý của Nhà nước. “Tuy nhiên, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ, chưa phù hợp với nội dung Chính phủ cho phép trường tự chủ. Do đó, cần sớm đồng bộ các văn bản trong thời gian sớm nhất có thể để Nghị định về tự chủ ra đời, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai, thực hiện”, PGS. TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy nói.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng là một trong 23 cơ sở giáo dục đại học công lập mới chỉ thực hiện thí điểm về tự chủ. Trong quá trình thí điểm chắc chắn sẽ còn nhiều vướng mắc. Hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Nghị định về tự chủ đại học và Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục sửa đổi trình Chính phủ. Đây là cơ sở để giải quyết những tồn tại trong thực hiện tự chủ ở các trường công lập.

Để “tự chủ ĐH” thành công, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, cần gắn kết với nâng cao trách nhiệm xã hội của các trường thành viên, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên, bên cạnh các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các trường ĐH trên thế giới có xu hướng phát triển trở thành những ĐH đổi mới sáng tạo (innovative university). Các trường ĐH của Việt Nam muốn phát triển và hội nhập quốc tế thành công thì càng phải nâng cao trách nhiệm xã hội khi thực hiện tự chủ ĐH về mọi mặt và không thể đứng ngoài xu thế đó, trong đó, chất lượng là yếu tố “sống còn” để thể hiện trách nhiệm giải trình với xã hội, trách nhiệm cộng đồng”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.