Nói không với rác thải nhựa từ thói quen 'cũ mà mới'

.

ĐNO - Khi phong trào "nói không với rác thải nhựa" ngày một phổ biến, một thói quen "cũ mà mới" là bao vở, bao sách bằng giấy cũ thay vì bọc ni-lông được nhắc đến như một thông điệp "sống xanh" ngay từ ghế nhà trường. Thông điệp này đang nhận được sự hưởng ứng từ nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh trên địa bàn thành phố.

Em Nguyễn Lê Bảo Châu (học lớp 2/4, Trường Tiểu học Lê Lai)
Những cuốn sách, tập vở được bao bằng giấy với thiết kế phong phú, sinh động mà không phải dùng tới bọc ni-lông.

Bước vào năm học mới 2019-2020, em Nguyễn Lê Bảo Châu (học sinh lớp 2/4, Trường tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu) "trình làng" một bộ sách vở với thiết kế bìa hết sức lạ mắt và sinh động. Trên nền bìa trắng, cô học trò 8 tuổi thỏa sức vẽ nên những mảng màu, hình vẽ và phông chữ ngộ nghĩnh. Tên các môn học được viết bằng chữ cách điệu nét to, màu sắc tươi sáng dễ phân biệt. Châu chia sẻ, đây là "công trình" 3 ngày của em cùng sự giúp sức từ bố. Góc học tập của em không hề có "bóng dáng" một tấm bao vở ni-lông nào.

Một cô trò nhỏ khác là Nguyễn Hà Châu Giang (học sinh lớp 2/2, Trường tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu) cũng tận dụng những tấm giấy A3 đã qua sử dụng của bố mẹ để làm bìa sách. Trên mỗi tấm bìa, Giang vẽ vào đó con gấu, cái cây... với những màu sắc bắt mắt theo đúng "phong cách" hồn nhiên của trẻ con.

Có mặt ở một số trường tiểu học và THCS, chúng tôi ghi nhận nhiều bộ sách vở được bao bọc bằng giấy và "nói không" với bao ni-lông trong suốt. Có phụ huynh bao sách vở cho con bằng giấy báo cũ, giấy tạp chí nhiều màu sắc. Một số phụ huynh khác "đầu tư" hơn bằng cách in trực tiếp hình ảnh của con vào nhãn vở hoặc in tên môn học lên tấm bìa giấy trắng. Đơn giản hơn thì sử dụng giấy màu thủ công khổ lớn để bao vở, mỗi môn là một màu.

Học sinh trường Tiểu học Lê Lai bên những cuốn sách, cuốn vở bọc giấy do phụ huynh tự thiết kế bìa.
Học sinh trường Tiểu học Lê Lai bên những cuốn sách, cuốn vở bọc giấy do phụ huynh tự thiết kế bìa.

Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền (giáo viên Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Hòa Vang) cho biết: "Thường học sinh rất ít đọc sách báo, ít nắm thông tin khác ngoài các bài giảng của nhà trường. Tôi nghĩ nếu bao vở, bao sách bằng những trang báo, tạp chí có các bài viết, hình ảnh ý nghĩa thì không chỉ làm đẹp cho sách vở mà còn giúp các em vừa hứng thú khi học vừa nắm thêm những thông tin hay".

Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Ngọc Thảo (giáo viên Trường THPT Thanh Khê, quận Thanh Khê) đưa ra ý kiến: "Như trường tôi đang dạy có hơn nghìn học sinh. Toàn thành phố có 30 trường THPT như vậy, chưa kể các cấp học khác. Mỗi học sinh trung bình dùng khoảng 20 cuốn vở/năm hoặc có thể hơn. Suy ra sau một năm học sẽ có một lượng lớn bao vở ni-lông thải ra môi trường và rất khó phân hủy…"

Theo cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lai, nhà trường đã kêu gọi nói không với rác thải nhựa nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung ngay từ năm học 2018-2019. Đến nay, hầu hết các phụ huynh đều ủng hộ ý tưởng của nhà trường. Trong năm học 2019-2020, trường khuyến khích phụ huynh và học sinh bao sách vở bằng giấy báo, giấy lịch... "Khi các em cầm trên tay những cuốn vở, cuốn sách được bao bọc cẩn thận bằng giấy, các em sẽ hiểu, sẽ ý thức hơn trong việc hạn chế rác thải nhựa", cô Vi cho biết.

"Bao vở bằng giấy báo cũ hoặc giấy màu là ký ức khó phai của nhiều thế hệ học trò. Đến thời con mình học, các con chưa biết cảm giác cặm cụi cắt từng mảnh báo, dán từng lớp hồ. Bây giờ, tôi vẫn khuyến khích các con sử dụng giấy báo, dù biết sẽ dễ rách, dễ cũ hơn nhưng sẽ giúp con "sống xanh" hơn", anh Trần Quốc Tri (phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Như Hạnh, quận Cẩm Lệ) chia sẻ.

Bảo vệ môi trường, không nhất thiết phải là những điều lớn lao, mà có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.