Giáo dục

Tình yêu nghề qua trang sử

09:27, 08/07/2019 (GMT+7)

Từ lâu, Lịch sử là bộ môn khó thu hút học sinh, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của mình, trong nhiều năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Yến - Tổ trưởng Tổ Sử - Địa, Âm nhạc - Mỹ thuật, giáo viên dạy Lịch sử Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đã truyền lửa cho học sinh qua bộ môn này; đồng thời đưa kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 bộ môn Lịch sử của trường đạt kết quả tốt.

Cô Nguyễn Thị Yến cùng hai học sinh đoạt giải cấp thành phố về môn Lịch sử.
Cô Nguyễn Thị Yến cùng hai học sinh đoạt giải cấp thành phố về môn Lịch sử.

Cô giáo Nguyễn Thị Yến cho biết: Việc dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử rất khó khăn; vì đây là bộ môn học sinh ít quan tâm, phụ huynh cũng ít đầu tư cho con học như các môn khác. Khi nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn này, sau khi tìm được “nguồn” học sinh để bồi dưỡng, điều quan trọng là làm thế nào để các em có hứng thú với môn học, từ đó kiên trì tìm nhiều biện pháp để truyền đạt kiến thức cho các em. Trong phương pháp giảng dạy của mình, cô Yến luôn chịu khó, thường xuyên theo dõi việc học của học sinh, đôn đốc các em học tập, tìm tòi nhiều tài liệu đồng thời hướng dẫn các em vận dụng kiến thức trong sách vở, liên hệ thực tế để có kết quả học tập tốt nhất.

Cô Huỳnh Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, chia sẻ: Bồi dưỡng học sinh giỏi là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn của nhà trường. Vì thế, trong những năm qua, kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn Lịch sử do cô Nguyễn Thị Yến đảm nhận đã góp phần quan trọng đưa kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường từ vị trí thứ năm, thứ sáu lên vị trí nhì, ba toàn thành phố.

Để đạt được thành tích xuất sắc được cấp thành phố công nhận như vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của giáo viên là không ngừng. Giáo viên phải thay đổi nhiều phương pháp dạy để thu hút học sinh, cung cấp cho học sinh nhiều tài liệu, tư liệu để nghiên cứu trong quá trình học, nhờ đó đã đánh tan sự nhàm chán khi học môn Lịch sử, để thay vào đó là sự hứng thú. Một khi học sinh nhận ra đó là môn học hay thì việc phấn đấu học đạt kết quả tốt nhất là điều học sinh mong muốn.

Bên cạnh đó, bằng tinh thần trách nhiệm cao, cô Yến đã không quản ngày đêm dành nhiều thời gian bồi dưỡng cho học trò. Theo lịch, nhà trường phân công bồi dưỡng 3 tiết 1 tuần thì cô dạy đến 10 tiết 1 tuần. Bằng kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, đặc biệt là cách định hướng nội dung các đề thi, cô giáo Nguyễn Thị Yến đã giúp học sinh có được chương trình ôn thi hiệu quả. Nhờ đó, năm nào nhà trường cũng có học sinh lớp 9 đoạt giải nhất, nhì, ba môn Lịch sử cấp thành phố. Qua 7 năm bồi dưỡng học sinh giỏi, không năm nào cô Yến và học trò đi về tay trắng mà luôn đạt thành tích cao nhất tại cuộc thi. Sau mỗi cuộc thi, nhà trường luôn có phần thưởng để động viên thầy và trò đoạt giải.

Tuy nhiên, phần thưởng ấy cô Yến không để riêng cho mình mà cô đem tặng thưởng lại cho các em đã đoạt giải, đó là những bộ đồng phục cho học sinh nam, đó là những bộ áo dài cho học sinh nữ khi bước vào mái trường THPT. Đối với các em học sinh, món quà này là tấm lòng của cô giáo luôn đồng hành cùng mình trên con đường mới. Và cứ thế hằng năm, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các em lại trở về thăm trường, thăm cô.

Em Phạm Thị Khanh năm nay bước vào lớp 12, nhưng đối với em những ngày tháng bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử với cô Nguyễn Thị Yến vẫn luôn là kỷ niệm đẹp. Với em, cô Yến là hình ảnh của người cô giáo hết lòng vì học trò. Em vẫn luôn xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Cô Huỳnh Thị Kim Anh cho biết: Cô Yến là một tấm gương tiêu biểu cho sự kiên trì, bền bỉ, nêu gương của một người giáo viên; lớp trẻ sau này cần học tập gương điển hình của cô Yến.

 Bài và ảnh: THÁI HỒNG HẠNH

.