Giáo dục Tết cổ truyền cho trẻ em

.

Cuộc sống hiện đại với đầy đủ tiện ích nên Tết cổ truyền có vẻ đơn giản và mất dần bản sắc. Để thế hệ trẻ được trải nghiệm những giá trị truyền thống, nhiều đơn vị trường học, bảo tàng trên địa bàn thành phố đã tổ chức chương trình Tết cổ truyền với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Được tự tay lau lá, buộc dây bánh tét, bánh chưng khiến các em vô cùng thích thú.
Được tự tay lau lá, buộc dây bánh tét, bánh chưng khiến các em vô cùng thích thú.

Những ngày cuối tháng 1, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) rộn ràng với hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền như: gói bánh chưng, bánh tét, sắp xếp mâm ngũ quả, trang trí cành mai, cành đào, vẽ tranh 12 con giáp… Không ít em chỉ biết đến những giá trị Tết cổ truyền qua bài học trong sách vở hay lời kể của ông bà, cha mẹ. Do đó, hoạt động này trở nên hấp dẫn, mới lạ trong mắt con trẻ. Những đôi mắt tròn xoe thích thú khi tự tay lau lá bánh, buộc dây bánh tét, bánh chưng.

Em Phan Thị Nam Anh (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) hào hứng nói: “Con rất thích những hoạt động như thế này để con hiểu thêm về Tết cổ truyền. Điều đặc biệt là những đòn bánh tét, bánh chưng này được trao tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn cùng với quà Tết. Như thế con thấy ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Cùng với trường học, các bảo tàng hướng đến giáo dục nét đẹp Tết cổ truyền cho thế hệ trẻ. Tại Bảo tàng Đà Nẵng, “Phiên chợ Tết” có những hoạt động thú vị như: làm bánh chưng, mứt dừa dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân và trải nghiệm trò chơi dân gian trong Tết xưa (kéo co, tạt lon, đập niêu, đập trống…). Đăng ký cho con tham gia “Phiên chợ Tết”, chị Tuyết Mai (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Tôi còn nhớ hồi nhỏ, mỗi lần Tết đến là vui như hội. Ngoài được mặc quần áo đẹp và lì xì, tôi còn cùng người lớn trong gia đình làm bánh in, bánh thuẫn, gói bánh chưng, thức canh bánh đến tận đêm khuya. Ấm cúng và rộn ràng, nhưng đó là Tết của ngày xưa cũ. Cũng không trách được bởi ngày nay cuộc sống quá đủ đầy và hướng đến cái Tết không rườm rà. Tuy vậy, cũng nên có những hoạt động bổ ích để các con có không gian trải nghiệm và hiểu biết về Tết cổ truyền”.

Để tổ chức hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền là cả sự nỗ lực của các đơn vị, nhà trường và phụ huynh. Bà Bùi Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tâm sự, nhà trường trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào để học sinh có thể trải nghiệm và không thờ ơ với những giá trị Tết truyền thống. Vì thế, nhà trường đã vận động phụ huynh tham gia các hoạt động cùng con cái, tạo nên tinh thần “Xuân ấm áp, Tết yêu thương”. Thông qua các hoạt động, học sinh được hiểu rõ hơn về nét văn hóa đặc trưng của dân tộc; đồng thời qua đó giáo dục các em biết trân quý những giá trị truyền thống, chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn bằng chính sản phẩm mình tạo ra.

Chung suy nghĩ, bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Nhằm góp phần bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo; đồng thời mong muốn du khách và người dân địa phương, nhất là trẻ em có trải nghiệm thú vị và ý nghĩa, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Phiên chợ ngày Tết”. Từ những trải nghiệm này, con trẻ sẽ có bài học thú vị và trưởng thành lên trong từng nếp nghĩ. Trong số những phong tục, sinh hoạt và nghi thức liên quan đến Tết Nguyên đán, chợ Tết được xem là một nét sinh hoạt độc đáo, đậm dấu ấn. Những phiên chợ Tết đã ăn sâu vào ký ức nhiều thế hệ. Đến một phiên chợ Tết ngày cuối năm không chỉ để mua sắm mà còn để cảm nhận trọn vẹn không khí xuân đang về.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.