Giáo dục

Tăng tỷ lệ học sinh trường nghề: Thách thức không nhỏ

13:59, 11/01/2019 (GMT+7)

Những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT chọn học nghề đã có tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu như đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018 thì vẫn là thách thức không nhỏ.

Một tiết học về làm bánh tại Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng.
Một tiết học về làm bánh tại Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng.

Thay đổi nhận thức về học nghề

Năm 2016, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng chỉ có 648 học sinh - sinh viên cho cả 3 năm (bình quân hơn 200 sinh viên/năm). Sau 2 năm, việc tuyển sinh của nhà trường phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn trường có 1.750 học sinh - sinh viên, tăng 3 lần so với trước. Đặc biệt, năm học 2018-2019, nhà trường chỉ tuyển sinh đúng 4 ngày phải “khóa sổ” bởi số lượng hồ sơ nộp học quá đông so với năng lực đào tạo của trường. Tương tự, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng những năm gần đây tuyển sinh từ 1.800 đến 2.000 học sinh, sinh viên/năm.

Theo ông Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, học sinh và phụ huynh đã bắt đầu thay đổi nhận thức về việc chọn học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng thay vì nhất thiết phải vào đại học. Ông Trung nhớ lại, khi đến tư vấn tại các trường phổ thông, nhiều học sinh đã nói rằng: “Em hỏi thầy cho vui thôi chứ em thích học đại học”. Tuy vậy, lần thứ hai, thứ ba đến tham quan trường, được các anh chị đã ra trường nói về công việc hiện tại, các em mới dần dần hiểu và bảo “thôi em quyết định đi học nghề”.

Ông Hồ Viết Hà, Hiệu phó Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cũng cho biết, năm học 2018-2019 có khoảng 10% sinh viên của trường đã đậu đại học nhưng quyết định chọn học nghề tại trường. “Sự chuyển biến trong nhận thức của phụ huynh và học sinh rõ rệt nhất trong 2 năm gần đây. Bởi thực tế cho thấy, không ít sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm, phải đi làm công nhân hoặc bắt đầu quay lại học nghề.

Trong khi đó, nhiều sinh viên học nghề lại thuận tiện kiếm việc làm, thậm chí doanh nghiệp đã đặt hàng ngay từ khi các em còn chưa tốt nghiệp”, ông Hà cho biết.
Nhiều sinh viên cho hay, để đi đến quyết định học nghề, các em và gia đình suy nghĩ và tìm hiểu rất kỹ ngành theo học, vừa phù hợp sở thích, vừa tìm việc dễ dàng. “Em thấy quanh mình nhiều người tốt nghiệp đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ vẫn thất nghiệp. Một người quen của em tốt nghiệp đại học nhưng phải đi làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà. Thấy thế, em cũng lượng sức mình và sẵn thích chế biến các món ăn nên em chọn lĩnh vực dịch vụ - nhà hàng để học”, Mai Phương - sinh viên năm hai, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Tỷ lệ học nghề còn thấp

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT mới đây, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT được UBND và phòng GD&ĐT quận, huyện, các ban ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, con số học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT chiếm chưa tới 10%. Như vậy, để thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” thật sự khó khăn.

Theo đề án này, đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%; phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

Ông Lê Đức Trung phân tích, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 30 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác đào tạo nghề nghiệp ngắn hạn. Tổng năng lực đào tạo khoảng hơn 5.000 học sinh - sinh viên, trong khi số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT mỗi năm 70.000.

“Con số 30-40% học sinh theo học trường nghề là đáng mơ ước, nhưng để đạt con số đó cần sự phát triển quy mô nhanh chóng của các trường nghề. Bởi với cơ sở vật chất hiện tại, nhiều trường không thể đủ năng lực đào tạo lượng lớn học sinh theo học.

Trường nghề có đặc thù riêng, mỗi lớp học dưới 20 em. Như vậy, giả sử với lượng học sinh của Trường THPT Phan Châu Trinh như hiện nay, cần đến 3 trường nghề có quy mô lớn, máy móc, trang thiết bị hiện đại mới đủ đáp ứng”, ông Trung nói.

Ông Hồ Viết Hà chia sẻ thêm, vấn đề hiện nay đối với các trường nghề là nguồn nhân lực giảng dạy. Vì giáo viên, giảng viên tại các trường nghề vừa đòi hỏi có kiến thức chuyên môn vừa có kỹ năng nghề nên rất thiếu.

Để thực hiện đề án, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực này. Mỗi trường nghề cũng cần tự thay đổi bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình dạy, đưa sinh viên thực hành ngay tại doanh nghiệp để mỗi sinh viên ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc, cam kết đầu ra cho sinh viên...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.