Giáo dục

Giúp học sinh dân tộc thiểu số thêm yêu tiếng Việt

09:05, 16/01/2019 (GMT+7)

Bên cạnh dạy đọc, viết trên lớp, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động ca hát, kể chuyện, giao lưu đã góp phần nâng cao khả năng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Hòa Vang và giúp các em thêm yêu tiếng Việt.

Các em Trường mầm non Hòa Phú làm quen với tiếng Việt bằng cách xem sách có nhiều hình ảnh vui nhộn.
Các em Trường mầm non Hòa Phú làm quen với tiếng Việt bằng cách xem sách có nhiều hình ảnh vui nhộn.

Mới đây, Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang phối hợp tổ chức ngày hội giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho trẻ mầm non và học sinh DTTS xã Hòa Bắc và Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Đây là một trong những hoạt động thường niên, ngày càng phong phú, có sức hút đối với thầy và trò. Đến với ngày hội, các em được tham gia kể chuyện, đọc thơ, thi hát đồng dao. Học sinh tiểu học còn thi viết văn cảm nhận về ngày hội; qua đó học sinh DTTS có cơ hội thể hiện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt.

Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, những năm qua, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn hai xã Hòa Bắc, Hòa Phú có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt. Đặc biệt, khi có kế hoạch của UBND thành phố về việc thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, các trường đã được đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đẩy mạnh các hoạt động dạy tiếng Việt qua các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trò chơi học tập, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi kể chuyện bằng tiếng Việt, ôn tập môn tiếng Việt thông qua trò chơi “Đố em”, “Rung chuông vàng”...

Năm học 2018-2019, Trường tiểu học Hòa Bắc có 85 học sinh dân tộc Cơ tu. Theo thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh sự nỗ lực của thầy và trò trong việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt, nhà trường còn tham gia các chương trình thiết thực, hiệu quả do cấp trên tổ chức như trước khi vào đầu năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện tổ chức chương trình làm quen với tiếng Việt cho học sinh DTTS chuẩn bị vào lớp 1, giúp các em không bỡ ngỡ ngay từ đầu cấp. Hay như các hoạt động ngày hội giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Quân khu 5, giao lưu văn nghệ, vẽ tranh, sáng tác thơ, văn, viết cảm nhận về chuyến đi..., từ đó, các em không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết cơ bản mà khả năng diễn đạt, viết văn cũng được nâng lên.

Là người trực tiếp giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hồng Luyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/4, Trường tiểu học Hòa Bắc cho biết, lớp có 17 học sinh đều là người dân tộc Cơ tu. Những năm trở lại đây, việc dạy tiếng Việt cho học sinh khá thuận lợi bởi phần lớn các em đã được tiếp xúc với tiếng Việt trước khi vào trường. Cha mẹ các em đa số đều có khả năng nói tiếng Việt nên nhiều em trước khi đi học đã giao tiếp thành thạo tiếng Việt; thậm chí, có em còn nói tiếng Việt tốt hơn cả tiếng dân tộc mình. Vì vậy, khi vào trường, các em dễ dàng học đọc, viết.

Tại Trường tiểu học Hòa Phú, để nâng cao khả năng tiếng Việt cho học sinh DTTS, ngoài việc dạy đọc, viết tại trường, nhà trường còn mở chương trình dạy phụ đạo tiếng Việt, tổ chức câu lạc bộ Em yêu tiếng Việt để các em rèn luyện, giúp nhau trong luyện viết chữ, làm thơ, làm văn.

Đối với trẻ mầm non DTTS, các trường mầm non ở xã Hòa Bắc, Hòa Phú dành nhiều thời gian để hình thành và phát triển kỹ năng nghe, nói, tiền đọc, tiền viết cho trẻ bằng cách tăng cường sử dụng đồ dùng trực quan thông qua những vật thật, tranh ảnh, băng hình, video. Các trường tạo môi trường tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trong giờ học mà còn ở các hoạt động sinh hoạt, lao động, tham quan để trẻ làm quen, tiếp xúc với tiếng Việt. “Với trẻ mầm non DTTS, việc tổ chức những hoạt động ca hát, kể chuyện, giao lưu giúp các em dù chưa biết đọc, biết viết vẫn có thể học tiếng Việt qua các bài đồng dao, dân ca, kể chuyện. Nhờ đó, các em thêm mạnh dạn, tự tin, tạo đà vào lớp 1”, cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Phú chia sẻ.

“Những hoạt động ngoại khóa, giao lưu tiếng Việt giúp học sinh DTTS thêm yêu và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn; phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Việt, tạo nền tảng để các em học tốt các môn học khác”, bà Hồ Thị Cẩm Bình chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: THU THẢO

.