"Ngôi nhà kỹ năng Meraki" của trẻ em

.

Nằm trong chương trình ươm tạo của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, “Ngôi nhà kỹ năng Meraki” là dự án giúp trẻ em học tiếng Anh theo phương pháp mới, đồng thời cung cấp cho các em kiến thức và kinh nghiệm thông qua nhiều trải nghiệm thực tế.

Chương trình học tại “Ngôi nhà kỹ năng Meraki” tìm cách gợi sức sáng tạo và niềm hào hứng cho học sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chương trình học tại “Ngôi nhà kỹ năng Meraki” tìm cách gợi sức sáng tạo và niềm hào hứng cho học sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hơn 17 giờ, căn nhà nhỏ vốn tĩnh lặng trên đường Lê Lai (quận Hải Châu) trở nên rộn rã lạ thường. Các em ở độ tuổi mầm non, tiểu học được bố mẹ đưa đến, ríu rít ùa vào nhà, mang theo những câu chuyện trường, chuyện lớp để kể cho nhau nghe trong lúc chờ vào lớp học tiếng Anh. Nhiều em không giấu được sự háo hức, tranh nhau hỏi to: “Thầy ơi, hôm nay thầy có dạy lớp con không ạ? Thầy dạy bài gì ạ?”.

Vào lớp, 9 cô bé, cậu bé 5-6 tuổi ngồi ngay ngắn trên ghế, nhìn chăm chú vào từng tấm hình do một cô giáo người nước ngoài đưa ra. Thấy tấm hình nào, các em đồng thanh hô to tên tiếng Anh của vật trong hình. Dường như trò chơi này rất “được lòng” nên tiếng hô to, vui vẻ và hào hứng đến mức cô giáo phải nhắc các em hạ giọng để phát âm tròn vành, rõ chữ. Điều đặc biệt, có những bé thậm chí chưa biết đọc, biết viết nhưng có vốn từ vựng tiếng Anh khá phong phú và phát âm chuẩn.

Cô giáo Hồ Thị Thanh Tâm chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Anh: “Chúng tôi chú trọng dạy các bé cách cảm âm, đánh vần, giúp các bé tìm ra quy luật khi ghép các chữ cái thành từ. Nhờ đó, khi gặp một từ lạ, các bé cũng tự tìm được cách đọc. Cũng giống như khi bé học tiếng Việt, mình dạy bé cách đánh vần, rồi dần dần tự bé đọc được các từ, các câu”.

Lớp học tiếng Anh này là một trong nhiều chương trình đào tạo tại “Ngôi nhà kỹ năng Meraki” - dự án khởi nghiệp đang được Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) ươm tạo. Meraki được đôi vợ chồng trẻ Huỳnh Phan Thắng và Nguyễn Như Hà sáng lập vào năm 2016 xuất phát từ tình yêu dành cho con và niềm đam mê lĩnh vực giáo dục, tâm lý học.

Nhớ lại hành trình khởi nghiệp, anh Thắng kể: Sau khi tốt nghiệp đại học ở Singapore, anh tìm công việc ổn định ở một tập đoàn. Làm việc 3 năm, anh vẫn luôn nung nấu ý định thử sức ở những lĩnh vực từng là đam mê của mình. Anh học thêm về khởi nghiệp, lấy bằng thạc sĩ ngành tâm lý tổ chức ở Mỹ. Cuối cùng, anh quyết định về Việt Nam gầy dựng sự nghiệp.

Năm 2012, anh Thắng xây dựng dự án khởi nghiệp đầu tiên của mình trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng cho trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh. Dự án thất bại chỉ trong vòng 6 tháng, anh trở về quê nhà Đà Nẵng. Tại đây, anh gặp người vợ tương lai của mình là chị Nguyễn Như Hà, từng du học ở nhiều nước nhưng vẫn quyết định về Đà Nẵng lập nghiệp. Kết hôn, hai vợ chồng vẫn làm việc ở các trường đại học. Anh Thắng tâm sự: “Máu khởi nghiệp vẫn còn đó, nhưng đến năm 2015, lúc con trai đầu lòng ra đời, chúng tôi mới quyết tâm theo con đường này”.

Càng tìm hiểu về phương pháp dạy con, anh Thắng và chị Hà càng hình dung rõ hơn về con đường hoạt động của “Ngôi nhà kỹ năng Meraki”. Tận dụng từ chính căn nhà hai vợ chồng đang ở, anh chị mở lớp học đầu tiên để dạy tiếng Anh cho trẻ em theo phương pháp cảm âm, ghép vần. Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh ở khu vực lân cận gửi con đến để vừa học tiếng Anh, vừa học kỹ năng phù hợp với độ tuổi. Có những bé đi học ở trường về vẫn háo hức vào lớp tại Meraki.

Lê Hoàng Bảo Trân (lớp 1/1, Trường tiểu học Trần Cao Vân) bày tỏ: “Con học ở đây rất vui vì được chơi nhiều trò chơi nên không thấy mệt”. Đợt Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều em được cha mẹ gửi đến Meraki để tham gia “cắm trại” tại chỗ, tìm hiểu về cách gói bánh chưng, làm kim chi, chúc Tết... với các bạn đồng trang lứa.

Chị Hà chia sẻ: “Ở Meraki, chúng tôi tìm cách tạo môi trường thân thiện, gần gũi như ở nhà, cùng vui chơi, trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu tâm lý của từng trẻ. Trong mỗi buổi học, các em được tham gia nhiều hoạt động đa dạng để khơi gợi sức sáng tạo và sự hứng thú học tập. Chắc chắn mỗi em sẽ có những nhu cầu, đặc điểm, tài năng và hướng phát triển khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm hiểu, tiếp cận, khơi gợi và phát triển chúng”. Sau hơn 1 năm hoạt động, đến nay Meraki có gần 100 học sinh và 20 giáo viên, trợ giảng.

Anh Thắng bộc bạch thêm, con đường khởi nghiệp luôn yêu cầu người sáng lập phải liên tục tìm những phương pháp tốt hơn, phải truyền cảm hứng cho các nhân viên và giáo viên. Khi tham gia chương trình ươm tạo tại DNES, anh mong nhận được sự tư vấn, giúp đỡ, kết nối với những người khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, từ đó phát triển các chương trình vì cộng đồng.

Anh bày tỏ ước muốn mọi em bé với mọi hoàn cảnh sống khác nhau đều có thể tiếp cận tiếng Anh và các khóa dạy kỹ năng; đồng thời, giúp các bậc cha mẹ tìm được phương pháp dạy con hợp lý. “Không phải giáo viên nước ngoài mới có thể dạy tiếng Anh được cho trẻ em. Ngay cả giáo viên Việt Nam, ngay cả cha mẹ, cũng có thể làm được điều đó nếu có phương pháp”, anh Thắng chia sẻ.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.