Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng;  trong đó kỹ năng ứng dụng CNTT của giáo viên có vai trò then chốt để mang lại hiệu quả cho hoạt động này.

Việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin vào dạy học giúp tiết học sinh động hơn. TRONG ẢNH: Một giờ học tại Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu).
Việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin vào dạy học giúp tiết học sinh động hơn. TRONG ẢNH: Một giờ học tại Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu).

Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố đã xây dựng sách điện tử, nội dung học liệu điện tử (gồm: sách giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, bài kiểm tra đánh giá, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học...) và hoàn thành xây dựng phần mềm trực tuyến về sách điện tử, học liệu điện tử cho tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT, sở đang triển khai thí điểm học liệu điện tử tại 6 trường THPT gồm Trường THPT Phan Châu Trinh, Trần Phú, Hoàng Hoa Thám, Thái Phiên, chuyên Lê Quý Đôn và Nguyễn Thượng Hiền; đồng thời xây dựng địa chỉ truy cập hệ thống thư viện điện tử trực tuyến, gồm: cấp THPT: www.thuvienthptdanang.edu.vn; cấp tiểu học, THCS: www.thuvienhaichau.edu.vn.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, từ tháng 4-2017, sở đã tích hợp thí điểm thành công dữ liệu học sinh và giáo viên của 147 trường học. Sở cũng đã yêu cầu các trường từ cấp tiểu học đến THPT từ năm học 2017-2018 chính thức sử dụng một phần mềm quản lý trường học trực tuyến, triển khai nhập dữ liệu đầy đủ nhằm sử dụng sổ gọi tên ghi điểm điện tử thay cho việc sử dụng sổ giấy.

Mục tiêu đến tháng 12-2017 đạt 100% các trường học từ cấp tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố tích hợp thành công dữ liệu. “Chúng tôi đã xây dựng phần mềm tuyển sinh trực tuyến để triển khai tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 từ năm học 2017-2018 cho 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đang tiếp tục xây dựng phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào lớp 10 THPT để triển khai ứng dụng vào tháng 5 năm nay”, ông Vĩnh nói.

Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Văn, Trường THPT Trần Phú, công tác soạn giáo án điện tử, bài giảng điện tử rất cần thiết để nâng cao hiệu quả việc dạy và học. “Khi sử dụng bài giảng điện tử, học sinh có thể tham gia vào bài giảng và tương tác với giáo viên nhiều hơn; đồng thời giáo viên có thể đưa vào bài giảng nhiều tư liệu, hình ảnh, video sinh động, hấp dẫn. Việc học vì thế không còn giới hạn trong phòng học và sách giáo khoa nữa”, thầy Hòa nói.

Nhiều học sinh tỏ ra hào hứng với bài giảng điện tử và việc ứng dụng CNTT trong học tập. Em Nguyễn Trương Xuân Nghiêm, học sinh lớp 11/1, Trường THPT Trần Phú cho biết, em vừa được học giờ Giáo dục công dân qua bài giảng điện tử. Hầu hết các em đều thích vì có nhiều dẫn chứng, hình ảnh dễ hiểu. Việc học, việc trao đổi giữa học sinh và giáo viên hiện nay cũng được hỗ trợ nhiều bởi mạng xã hội, thư điện tử..., nên hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít giáo viên chưa thành thạo các kiến thức cơ bản về CNTT để áp dụng vào công việc giảng dạy. Theo khảo sát mới đây của một nhóm giảng viên Khoa Tin học thuộc Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tại 13 trường tiểu học trên địa bàn thành phố cho thấy, đa số giáo viên đều thích ứng dụng CNTT trong dạy học.

Cụ thể, thích 50%, rất thích 26% và bình thường 23%, không thích 1%. Tuy nhiên, mức độ thành thạo các kỹ năng soạn thảo văn bản, ứng dụng PowerPoint, internet... thì rất cần được trau dồi thêm. Cụ thể, mức độ thành thạo rất tốt chiếm 17%, tốt 46%, bình thường chiếm 35% và không tốt chiếm 2%.

“Vẫn còn nhiều giáo viên lúng túng khi sử dụng máy tính và các phần mềm văn phòng để soạn giáo án, cũng như chưa biết khai thác mạng internet để sưu tầm giáo án, tư liệu phục vụ việc dạy học”, thạc sĩ Trần Văn Hưng, giảng viên Tin học, thành viên nhóm khảo sát nói.

Theo thạc sĩ Trần Văn Hưng, giáo viên cần phải có các kỹ năng cơ bản như bật, tắt thiết bị; mở, đóng các chương trình ứng dụng, điều chỉnh giao diện thông thường như to, nhỏ, nét sáng; mở, sử dụng hệ điều hành Windows với các thao tác cơ bản, soạn thảo văn bản. Giáo viên cũng phải tự trang bị hiểu  biết cơ bản liên quan đến pháp luật khi sử dụng CNTT...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.