.

Chung tình yêu nghề giáo

.

Ở Đà Nẵng, có một gia đình mà cả cha mẹ, con cái, dâu rể đều tốt nghiệp thủ khoa và đều là thạc sĩ, tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực giáo dục. “Nhạc trưởng” của ngôi nhà đó (số 12 Nguyễn Hữu Thông, quận Sơn Trà) là ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Đại gia đình 3 thế hệ của vợ chồng ông Huỳnh Năm (giữa).      (Ảnh do gia đình cung cấp)
Đại gia đình 3 thế hệ của vợ chồng ông Huỳnh Năm (giữa). (Ảnh do gia đình cung cấp)

Biết câu chuyện gia đình mình được chia sẻ trên báo, anh Tô Văn Hùng, con rể trong gia đình nhắc chừng phóng viên: “So với nhiều gia đình khoa bảng ở các địa phương và trên cả nước, cả nhà có học vị cao thật ra không quá lạ hay đặc biệt, có chăng là hơi thú vị chút thôi. Nếu có điều gì để nói thì đó là sự chia sẻ đam mê đối với việc học và gìn giữ nếp nhà…”.

Tuy các thành viên trong gia đình theo đuổi các lĩnh vực khác nhau nhưng đều đã và đang làm việc trong ngành giáo dục. Trước đây, ông Huỳnh Năm là nhà giáo. Năm 1975, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Kinh tế tại Nga và từng đảm nhận vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Kế toán (nay là Học viện Tài chính). Vợ ông, bà Lê Thị Mai Ngữ, cũng từng học đại học tại Nga và có thời gian công tác cùng trường với chồng.

Ông có 2 người con và 1 dâu, 1 rể. Con gái lớn là chị Huỳnh Thị Hồng Hạnh, tiến sĩ Kế toán, từng du học tại Úc, hiện là Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Chồng chị là kiến trúc sư Tô Văn Hùng, tiến sĩ, Trưởng khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Anh Huỳnh Huy Hòa, con trai út, tiến sĩ tại Pháp, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Vợ anh Hòa, chị Trương Nguyễn Ngọc Vinh, thạc sĩ tại Pháp, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.

Hỏi anh Hùng rằng người ta thường nói, trong gia đình, người đàn bà phải “thấp” hơn đàn ông một cái đầu mới dễ chung sống, nhưng một nhà nhiều thế hệ mà “không cái đầu nào thấp hơn cái đầu nào” thì ứng xử với nhau ra sao, anh Hùng vui vẻ đáp: Thì hỗ trợ nhau nhiều chứ sao! “Ví dụ, hồi tôi mới bắt đầu đi dạy, vợ với vốn tiếng Anh tốt đã giúp đỡ tôi dịch các tài liệu nước ngoài để hoàn thiện giáo án. Em dâu cũng vậy, là giáo viên dạy tiếng Pháp nên đã hỗ trợ chồng hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Pháp. Ngoài chia sẻ kiến thức, cả nhà cùng có chung một điểm tựa tinh thần - đó chính là ông bà - những người có cách dạy dỗ và chăm sóc con cái khiến chúng tôi còn học theo dài dài”, anh Hùng chia sẻ.  

Với gia đình ông Năm, đầu tư cho giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu. Khi con cái tốt nghiệp đại học có nhiều sự lựa chọn cho con đường tương lai, nhưng ông khuyến khích đi theo nghề giáo. Dù công việc có vẻ khiêm nhường hơn những nghề khác, nhưng bản chất nghề giáo là cao quý và tốt cho nếp nhà.

So với những năm ông Năm làm nhà giáo, ngành giáo dục nói chung, vai trò người thầy nói riêng ngày nay đã đổi thay đáng kể theo sự vận động của xã hội. Dẫu vậy, trong mỗi bữa cơm gia đình, giáo dục vẫn là chủ đề thường trực với tất cả sự nghĩ suy, trăn trở và hy vọng của mọi thành viên.

Để con cháu biết quan tâm và chăm việc học, gia đình ông không dùng roi vọt mà luôn nỗ lực duy trì bữa cơm gia đình. Một gia đình bận rộn với dày đặc lịch công tác, nhưng cơm nhà ngày hai bữa thì không ai nỡ bỏ qua.

Các thành viên còn có một quy tắc: “Thứ 7 nhà ngoại, chủ nhật nhà nội”, tức mọi người dành những ngày cuối tuần để quây quần bên nhau. Giữ được nền nếp đó là không dễ trong cuộc sống hiện đại lắm bộn bề, nhưng gia đình ông vẫn duy trì nếp sống này qua nhiều năm. Quanh bữa cơm ấm cúng ấy, không chỉ nghe những câu chuyện về giáo dục, những đứa cháu của ông còn được “hóng” người lớn nói về lòng vị tha, sự thuận hòa và tình yêu thương từ những điều nho nhỏ...

THU HOA

;
.
.
.
.
.