Địa Trung Hải "dậy sóng"

.

Lâu nay, Địa Trung Hải là “điểm nóng” được cộng đồng quốc tế quan tâm về vấn đề người di cư từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi tràn vào châu Âu đi qua vùng biển này. Tuy nhiên, những ngày qua, Địa Trung Hải “dậy sóng” do những tranh chấp liên quan dầu mỏ, khí đốt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, dẫn đến các vụ đụng độ trên biển lẫn trên không.

Sự việc bắt đầu từ ngày 10-8 khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò dầu khí mang tên Oruc Reis được ít nhất 6 chiến hạm mang tên lửa hộ tống đến thăm dò ở vùng biển mà Hy Lạp tuyên bố chủ quyền, nằm trên thềm lục địa của Hy Lạp, ở phía đông Địa Trung Hải. Hoạt động khoan và thăm dò dầu khí này diễn ra ở vùng biển gần đảo thuộc Hy Lạp, song lại nằm gần bờ biển phía nam thuộc thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lập tức quân đội Hy Lạp báo động cao, toàn bộ sĩ quan hải quân và không quân được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Căng thẳng được đẩy lên nấc thang mới khi hai bên sẵn sàng “động thủ” bất cứ lúc nào.

Suốt một tuần qua, hai bên có những hành động “ăn miếng trả miếng”, tàu hộ vệ của Hy Lạp đã va chạm với tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ khi tiếp cận tàu khoan Oruc Reis khiến một số thủy thủ bị thương. Bộ Quốc phòng Hy Lạp cho rằng, đây chỉ là tai nạn, trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là sự khiêu khích.

Còn trên không, trong cuộc tập trận với Hy Lạp mới đây, máy bay chiến đấu của Pháp đã bay qua các tàu thăm dò và hộ vệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan coi đó là hành động “bắt nạt” và cảnh báo “những ai tập kích tàu khoan Oruc Reis sẽ phải trả giá đắt”.

Việc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng đưa mối quan hệ giữa hai quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập niên. Athens và Ankara là đồng minh trong NATO, nhưng quan hệ giữa hai nước này căng thẳng lâu nay, với những tranh chấp biên giới thềm lục địa trên biển, không phận, cũng như chia rẽ sắc tộc trên đảo Cyprus. Trong khi đó, quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gặp nhiều sóng gió bởi Hy Lạp là thành viên của EU, còn Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán để gia nhập tổ chức này.

Các Ngoại trưởng EU khẳng định tình đoàn kết với Hy Lạp và kêu gọi hai bên “tìm giải pháp thông qua thương lượng”. Tuy nhiên, nội bộ EU không thống nhất trước việc Pháp điều động thêm tàu chiến và máy bay chiến đấu đến khu vực này để hỗ trợ Hy Lạp. Trong lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động thăm dò ở đông Địa Trung Hải. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, việc Ankara phô trương sức mạnh hải quân có thể dẫn đến đụng độ với Hy Lạp bất cứ lúc nào. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể khiến EU sớm ban hành thêm các trừng phạt đối với Ankara.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc giục khẩn cấp giảm căng thẳng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng kêu gọi hai bên đối thoại, nhưng cảnh báo rằng, quốc gia này sẽ không lùi bước “trước các đe dọa và trừng phạt”.

Có thể nói, trong bối cảnh đối mặt với hàng loạt vấn đề gai góc như: cuộc xung đột ở Syria và Lybia, làn sóng người di cư bất hợp pháp, bất đồng với Mỹ trên nhiều vấn đề sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016, hay việc mua tên lửa phòng không S-400 của Nga…, thì hành động của Thổ Nhĩ Kỳ làm “dậy sóng” ở Địa Trung Hải sẽ càng gây bất lợi cho nước này, khi hầu hết các thành viên NATO hay EU đều đứng về phía Hy Lạp.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.