.

Mỹ đau đầu về cơ quan tình báo liên quân Pakistan

Lâu nay một trong những bài toán khá hóc búa mà Mỹ và các đồng minh tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á nói chung và Afghanistan nói riêng chưa hóa giải được là vai trò của Cơ quan tình báo liên quân Pakistan (ISI) đối với Taliban và các tổ chức dân quân Hồi giáo cực đoan khác. ISI không chỉ đóng vai trò hai mặt trong cuộc tranh chấp với Ấn Độ khi đào tạo, dung dưỡng các tổ chức dân quân Hồi giáo, mà lực lượng Taliban của Afghanistan, kẻ thù trực tiếp của Mỹ  đã được ISI giúp đỡ rất tận tình.

Trên một phương diện nào đó, ISI đã giúp Chính phủ Pakistan cùng Mỹ chống Taliban tại Afghanistan, nhưng lại dung dưỡng nhiều nhân vật chủ chốt của lực lượng này để thực hiện những toan tính mà ISI xét thấy có lợi. Không ít lần Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA)  đã chỉ rõ là ISI đang giúp các nhân vật chủ chốt Taliban và cả Al-Qaeda lẩn trốn tại các vùng núi cao giáp biên giới hai nước Afghanistan-Pakistan. Nhà Trắng đã yêu cầu Islamabad phải có hành động cụ thể , không để cho ISI tiếp tục phá hoại quan hệ hai nước và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng một số nhân vật chủ chốt của ISI vẫn không nghe theo và có nhiều động thái gây  khó khăn cho Mỹ trong việc truy lùng các thủ lĩnh Taliban và Al-Qaeda.

Một sự kiện gần đây nhất, khi tờ Washington Post ngày 18-1 đưa tin Mullah Mohammed Omar, thủ lĩnh một mắt sống ẩn dật của phong trào Taliban ở Afghanistan đã được điều trị bệnh tim tại Pakistan với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Pakistan. Washington Post , dẫn một báo cáo của cơ quan tình báo tư nhân do các cựu quan chức an ninh Mỹ điều hành, cho biết viên thủ lĩnh tinh thần Taliban này, ẩn tích sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu năm 2001, đã bị một cơn đau tim ngày 7-1 và đã được đưa đến một bệnh viện gần thành phố Karachi (Pakistan) trong nhiều ngày. Mạng lưới tình báo trên, hoạt động dưới dạng một công ty tư nhân có tên “Nhóm Nguyệt thực”, cho biết họ lấy tin từ một bác sĩ giấu tên trong bệnh viện. Vị bác sĩ này cho biết Omar dường như đã bị tổn thương não và nói thều thào sau phẫu thuật. Tin cho biết ISI đã “vội vã chuyển Omar đến bệnh viện tại Karachi, nơi Omar được điều trị bằng thuốc chống tụ máu và tiến hành phẫu thuật”. Tin cho biết thêm: “Sau khoảng 3-4 ngày chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện, Omar đã được ISI cho về và yêu cầu phải nghỉ ngơi hoàn toàn tại nhà trong nhiều ngày”.

Pakistan là đồng minh chính thức trong liên minh quốc tế chống Taliban ở Afghanistan, song giới chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc ISI  luôn chơi trò hai mặt. Thông tin vừa tiết lộ nói trên càng làm cho Mỹ rất khó xử và chính quyền Islamabad cũng lúng túng với Washington. Nhưng vì sao ISI lại chơi trò hai mặt đó với cả Mỹ lẫn chính quyền của Yusuf Raza Gilani lại là một câu hỏi mà Mỹ và Islamabad chưa có câu trả lời đầy đủ. Do vậy, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở khu vực này không dễ dàng gì giành được những kết quả như mong muốn.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.