.

7 tháng mà chưa có Chính phủ

Nepal  nằm trên dãy Himalaya và được cho là quốc gia nằm ở trên đỉnh cao nhất của thế giới. Những năm gần đây, tình hình chính trị ở Nepal  luôn biến động, gây mất ổn định chính trị do xung đột các phe phái, chưa kiến tạo được một nền hòa bình bền vững. Nhiều Chính phủ được thành lập nhưng rồi không tồn tại bao lâu, do các  đảng phái tranh giành nhau quyền kiểm soát, song không chiếm được đa số ghế tại Quốc hội.

Trong một nổ lực mới nhất, ngày 16-1, Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav đã yêu cầu các chính đảng đối địch nhau ở nước này phải dàn xếp để thành lập Chính phủ mới vào ngày 21-1 tới nếu không ông sẽ buộc phải dựa vào một điều khoản khác của hiến pháp để yêu cầu tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội mới. Đây là thông điệp mới để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.

Thực tế thời gian qua ở Nepal cho thấy các Chính phủ được thành lập đều dựa trên đa số đơn giản trong Quốc hội nên không tồn tại lâu, và chỉ có một Chính phủ bao gồm tất cả các chính đảng lớn mới ổn định, có khả năng hoàn tất quá trình soạn thảo dự thảo hiến pháp mới vào tháng 5 tới và thực hiện có kết quả tiến trình hòa bình ở nước này.

Tuy nhiên, ba chính đảng lớn nhất ở Nepal gồm Đảng Cộng sản Nepal Mao-ít Thống nhất (UCPN-M), Đảng Quốc đại Nepal (NC) và Đảng Cộng sản Nepal Mácxít Lêninnít Thống nhất (CPN-UML) đều muốn lãnh đạo Chính phủ và không chịu nhượng bộ nhau, dẫn tới bế tắc suốt 7 tháng qua trong việc bầu Thủ tướng mới để thành lập Chính phủ. UCPN-M là đảng lớn nhất nắm 235 ghế, tuyên bố sẵn sàng ngồi ghế đối lập song đòi hỏi thực sự của họ là vai trò lãnh đạo Chính phủ. NC lớn thứ hai, kiểm soát 114 ghế, trước đó đòi lãnh đạo Chính phủ với lý do các đảng Cộng sản đã cầm quyền từ năm 2008 trở lại đây, song hiện đã mở đường cho việc thành lập Chính phủ mới với việc nhà lãnh đạo đảng này Ram Chandra Poudel ngày 12-1 đã rút khỏi danh sách ứng cử viên Thủ tướng.  Trong khi đó, nội bộ CPN-UML, đảng lớn thứ 3 với 109 ghế trong Quốc hội, bị chia rẽ thành nhiều phái khác nhau: Phái muốn nắm quyền lãnh đạo Chính phủ, phái ủng hộ NC và phái muốn UCPN-M nắm vai trò này.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các chính đảng Nepal thể hiện thái độ hòa giải chân thành và hy sinh đặc biệt nhằm bảo đảm tiến hành có kết quả tiến trình hòa bình , tránh không để cuộc khủng hoảng chính trị lại rơi vào bế tắc , ngăn chặn nguy cơ bạo lực bùng phát ở quốc gia vùng
Himalaya này.               

Nguyên Châu

;
.
.
.
.
.