Trung Quốc đang chuẩn bị đề xuất khôi phục thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 được ký kết năm 2020 dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, như một phần trong nỗ lực giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước sau khi ông Trump áp thuế 10% hàng hóa của Bắc Kinh.
![]() |
Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Chinatopix qua AP |
Thông tin trên được The Wall Street Journal (WSJ) đăng tải ngày 3-2. Đây là tín hiệu cho thấy, song song với lời lẽ phản đối và tuyên bố sẽ thực hiện biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Bắc Kinh vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Washington để có thể tránh xung đột sâu sắc hơn, một viễn cảnh không có lợi cho cả hai, cũng như thế giới nói chung. Còn theo giới quan sát, mức thuế 10% thực ra thấp hơn so với mức mà Washington áp lên Canada và Mexico, cũng như “vẫn mềm mỏng” so với cảnh báo 60% trong quá trình vận động tranh cử của ông Trump. Do đó, mức thuế này vẫn còn cơ hội để Trung Quốc thương lượng nhằm ngăn chặn chính quyền tăng thuế quan và hạn chế công nghệ từ Mỹ.
Theo China Daily, thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà ông Trump ký với Bắc Kinh năm 2020 chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài gần hai năm vào thời điểm đó. Thỏa thuận này yêu cầu Trung Quốc tăng mua hàng xuất khẩu của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong 2 năm, nhưng Bắc Kinh đã không đạt được mục tiêu này do Covid-19 bùng phát. Tháng 1-2025, Reuters đưa tin ông Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đánh giá lại việc Trung Quốc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận này, có thể làm cơ sở cho các chính sách thương mại tiếp theo.
Có thể thấy rằng, Trung Quốc có cách tiếp cận vấn đề một cách thận trọng, bình tĩnh khi vẫn chưa công bố mức thuế trả đũa Mỹ khi so sánh với Canada. Nước láng giềng Bắc Mỹ và cũng là đồng minh lâu năm của Washington, nhanh chóng đáp trả bằng cách áp thuế 25% đối với hàng hóa Mỹ trị giá khoảng 105 tỷ USD ngay sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế tương tự. Việc đề xuất khôi phục thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, thay vì chọn trả đũa thuế quan, rõ ràng tương đồng với lập trường kiên định và nhất quán của Trung Quốc rằng “không có bên nào chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại và thuế quan”, theo Global Times.
TIME dẫn lời ông Tao Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Đầu tư UBS, cho biết thuế quan đã được Mỹ áp dụng nhanh hơn dự kiến và mức thuế suất chung 10% mở rộng hơn so với các biện pháp theo từng giai đoạn dưới thời nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Wang cho biết bà dự kiến GDP của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng từ 0,3 đến 0,4%. Trong báo cáo được công bố vào tuần trước, Morningstar cho biết mức thuế 10% này sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các thiết bị gia dụng, đồ nội thất gia đình, pin lithium và xe điện ở Trung Quốc. Thời điểm chính quyền ông Trump áp mức thuế mới cũng đến vào lúc Bắc Kinh cũng phải đối mặt với căng thẳng thương mại với EU về mức thuế áp dụng đối với xe điện dẫn đến làn sóng các biện pháp trả đũa đối với các sản phẩm từ rượu cognac đến sữa.
Tuy nhiên, báo cáo của Morningstar cũng nói thêm rằng nhiều công ty có khả năng sẽ thấy tác động ít hơn 5% tổng doanh thu tương ứng của họ và kết quả có thể không tệ như lo ngại đối với một số ngành. Một phân tích riêng từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, nhập khẩu và xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 37% GDP của Trung Quốc so với hơn 60% vào đầu những năm 2000. Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng cường thương mại với các nền kinh tế khác như Liên minh châu Âu, Mexico...
Thị phần thương mại toàn cầu của nước này tăng 4% kể từ năm 2016, trong khi thị phần của Mỹ lại giảm. Phân tích cho biết: “Kết hợp lại, những yếu tố này sẽ làm giảm cú sốc do mức thuế bổ sung 10% này”.
Trong khi đó, theo CNBC, giữa lúc Washington đe dọa áp thuế quan, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuẩn bị một số chiến lược đối phó kịp thời, bao gồm: tăng giá bán với khách hàng Mỹ, cân nhắc chiến lược mới và trong trường hợp xấu nhất, họ có thể từ bỏ thị trường Mỹ.
“Trong quá khứ, tất cả chúng tôi đều cảm thấy Mỹ là thị trường tuyệt vời nhất mà ai cũng muốn bán hàng vào đó. Nhưng với môi trường khó đoán và những quyết định chính sách không thân thiện như hiện nay, Mỹ không còn hấp dẫn như xưa. Thật đáng tiếc”, ông Len, chủ một nhà máy ở Quảng Châu, nói với CNBC.
Đến lượt EU trong tầm ngắm thuế quan của ông Trump Theo RT, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định áp thuế đối với Liên minh châu Âu (EU) viện dẫn sự đối xử không công bằng trong các hoạt động thương mại. Nếu điều này thành hiện thực, chính quyền ông Trump sẽ thách thức phần lớn khối lượng thương mại toàn cầu. Trong khi đó, EU tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu bị đối tác thương mại hàng đầu là Mỹ áp thuế. |
THƯ LÊ