Đề xuất việc Mỹ sẽ tiếp quản dải Gaza của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ đe dọa làm suy yếu quan hệ với các đồng minh Arab mà còn có thể phá vỡ hoàn toàn tiến trình hòa bình Israel-Palestine kéo dài nhiều thập niên.
![]() |
Thủ tướng Israel Netanyahu (bên trái) mô tả Tổng thống Mỹ Donald Trump là người bạn vĩ đại của Israel trong chuyến thăm Nhà Trắng ngày 4-2. Ảnh: Evan Vucci/AP |
Theo CNN, trong cuộc gặp ngày 4-2 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được tiếp đón kể từ khi ông Trump trở lại cầm quyền, Tổng thống Trump đã đưa ra một đề xuất chưa từng có tiền lệ: Mỹ sẽ tiếp quản hoàn toàn dải Gaza và di dời 2,2 triệu người Palestine ra khỏi vùng đất này. “Mỹ sẽ tiếp quản dải Gaza và chúng ta sẽ làm tốt công việc này. Chúng ta sẽ sở hữu nó”, ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Netanyahu.
Động cơ và toan tính phía sau
Đề xuất của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn mới tại Gaza đang được đàm phán tại Doha (Qatar). DW dẫn thông báo từ văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho biết, Israel đang chuẩn bị cử phái đoàn cấp cao làm việc tới Doha vào cuối tuần này để thảo luận các chi tiết kỹ thuật liên quan thỏa thuận.
Tuy nhiên, thay vì tập trung vào tiến trình đàm phán, ông Trump lại vẽ ra viễn cảnh hoàn toàn khác cho Gaza. Ông đề xuất biến vùng đất này thành “Riviera của Trung Đông”, ví von với khu vực nghỉ dưỡng ven biển sang trọng như vùng Riviera của Pháp. “Chúng ta không thể để lịch sử cứ lặp lại như thế này mãi.
Đây là cơ hội để làm nên điều phi thường. Tôi không cố tỏ ra khôn khéo hay mưu mẹo gì ở đây cả. Nhưng Gaza có thể trở thành Riviera của Trung Đông, một nơi thực sự tuyệt vời”, ABC dẫn lời ông Trump. Ông Steve Witkoff, đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, người vừa thăm Gaza tuần trước, giải thích thêm rằng, ước tính sẽ cần 10-15 năm để tái thiết khu vực này.
“Ngay cả khi thiệt hại chỉ bằng 1% những gì tôi chứng kiến tại Gaza, người dân cũng không thể được phép trở về nhà. Mức độ nguy hiểm là như vậy. Có tới 30.000 quả đạn chưa phát nổ rải rác khắp nơi. Các tòa nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Hoàn toàn không có hệ thống cơ sở hạ tầng nào còn hoạt động”, ông Steve nói với The New York Times.
Trao đổi với The Atlantic, ông Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nhận định rằng đề xuất này có thể là chiến thuật đàm phán: “Ông Trump có thể đã đưa ra ý tưởng này để tăng áp lực sau khi các nước Arab từ chối yêu cầu tiếp nhận người Palestine của ông. Bây giờ, ông ấy đang tăng sức ép theo kiểu: Nếu quý vị không tiếp nhận họ, chúng tôi sẽ tự mình di dời họ và kiểm soát Gaza”.
Thủ tướng Netanyahu, người đang phải đối mặt với áp lực chính trị trong nước nếu xung đột kết thúc mà Hamas vẫn còn quyền kiểm soát ở Gaza, đã nhiệt liệt ủng hộ đề xuất của ông Trump, theo The New York Times.
Tiền lệ nguy hiểm
Theo Arab News, phản ứng trước đề xuất của ông Trump về tái định cư người dân Gaza ở các nước khác, ngày 4-2, Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Riyad Mansour khẳng định Gaza là quê hương của người Palestine và dù một phần của vùng đất này đã bị tàn phá, người Palestine vẫn lựa chọn trở về. Đại sứ Palestine đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo và cộng đồng quốc tế tôn trọng quyết định và nguyện vọng của người dân Palestine.
Đề xuất của ông Trump cũng ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia Arab, đặc biệt là những đồng minh truyền thống của Mỹ. Theo DW, Saudi Arabia, quốc gia có vai trò then chốt trong khu vực, nhanh chóng bác bỏ kế hoạch này. “Saudi Arabia sẽ tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi để thiết lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Vương quốc Saudi Arabia kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực di dời người dân Palestine khỏi vùng đất của họ”.
Tương tự, Phong trào Hồi giáo Hamas, tổ chức hiện đang kiểm soát Gaza, cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Ông Sami Abu Zuhri, quan chức cấp cao của Hamas, tuyên bố kế hoạch di dời dân là “công thức tạo ra hỗn loạn và căng thẳng trong khu vực” và khẳng định “người dân của chúng tôi ở Gaza sẽ không cho phép những kế hoạch này được thực hiện”, theo The New York Times.
Giới quan sát nhận định, với kế hoạch về dải Gaza, ông Trump vừa đưa ra động thái can thiệp gây chấn động nhất trong lịch sử của cuộc xung đột Israel - Palestine. Bên cạnh đó, kế hoạch này có thể làm đảo lộn hoàn toàn chiến lược ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông.
Dù ông Trump khẳng định đề xuất của mình “không phải vì Israel” mà là “vì tất cả mọi người ở Trung Đông, người Arab, người Hồi giáo, vì tất cả mọi người”, song kế hoạch này của ông đang làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng ngoại giao mới tại khu vực. Theo The New York Times, việc một Tổng thống Mỹ công khai đề xuất di dời cưỡng bức toàn bộ người Palestine khỏi Gaza, điều vi phạm Công ước Geneva mà cả Mỹ và Israel đều đã phê chuẩn, có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong chính sách Trung Đông của Mỹ.
TRẦN ĐẮC LUÂN