Kỷ nguyên mới trong hợp tác Mỹ - Nhật

.

Mỹ và Nhật Bản công bố một loạt động thái nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác quân sự và các lĩnh vực then chốt khác, qua đó đưa quan hệ song phương lên mức hợp tác chặt chẽ nhất kể từ khi trở thành đồng minh cách đây nhiều thập niên để ứng phó những mối đe dọa chung, đặc biệt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổng thống Joe Biden (bên phải) tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Trắng ngày 10- 4. Ảnh: AP
Tổng thống Joe Biden (bên phải) tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Trắng ngày 10- 4. Ảnh: AP

Chuyến thăm Mỹ kéo dài 5 ngày của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thu hút sự chú ý bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ với tư cách là khách mời cấp nhà nước kể từ chuyến thăm của ông Abe Shinzo vào năm 2015.

Bội thu về thỏa thuận quốc phòng

Theo New York Times, ngày 10-4, Mỹ và Nhật Bản ký khoảng 70 thỏa thuận về quốc phòng để tạo sự phối hợp và hội nhập lớn hơn giữa các lực lượng quân sự của hai nước. Trong đó, nâng cấp cơ cấu chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật Bản để Mỹ có thể hợp tác tốt hơn với lực lượng Nhật Bản nếu xảy ra khủng hoảng; thành lập hội đồng phòng thủ chung hỗ trợ xuất khẩu thiết bị liên quan quốc phòng được sản xuất tại Nhật Bản; hợp tác theo cơ cấu chỉ huy chung; cho phép tích hợp liền mạch hoạt động, khả năng tương tác tốt hơn giữa lực lượng hai nước; hợp tác với Úc để thiết lập mạng lưới phòng không, tên lửa và kiến trúc phòng thủ chung; hướng đến việc tổ chức hoạt động diễn tập quân sự ba bên với Anh... Theo giới quan sát, việc tăng cường hợp tác quốc phòng được cho bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hợp tác về không gian cũng là điểm nhấn đáng chú ý khác khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị cho phép phi hành gia người Nhật Bản đi vào lịch sử khi trở thành công dân đầu tiên không mang quốc tịch Mỹ đặt chân lên Mặt trăng trong chương trình của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Chương trình Artemis của NASA đang tập trung vào việc đưa con người lên Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm. Trước đó, từ năm 1969-1972, chương trình Apollo của Mỹ đã đưa 12 người Mỹ lên Mặt trăng.

“Bước nâng cấp quan trọng nhất”

Dựa trên những thỏa thuận hợp tác mang tính đột phá, New York Times dẫn lời Tổng thống Biden nhận định: “Đây là bước nâng cấp quan trọng nhất trong liên minh của chúng tôi kể từ khi được thành lập lần đầu tiên”. Có thể thấy tuyên bố này tương đồng với việc các tổng thống Mỹ trước nay tuyên bố rằng mối quan hệ Mỹ-Nhật là liên minh song phương quan trọng nhất trên thế giới. Các trợ lý của ông Biden mô tả mối liên kết quân sự chặt chẽ hơn là một trong những nâng cấp lớn nhất của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật vốn có từ đầu năm 1960. Nhật Bản, thường được mô tả là đồng minh châu Á quan trọng nhất của Mỹ và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Khi mối đe dọa và thách thức phức tạp trong khu vực ngày càng gia tăng, Nhật Bản trở thành trụ cột trong những nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm thống nhất các đồng minh riêng biệt của mình trong khu vực - đặc biệt là Hàn Quốc và Philippines - để tạo thành lực lượng phối hợp hiệu quả. Trước thềm cuộc gặp, một quan chức Mỹ giải thích việc Nhật Bản là “đối tác toàn cầu đầy đủ” với Mỹ nghĩa là tầm ảnh hưởng của Nhật Bản đã vượt xa khu vực của nước này và đang lan tỏa đến châu Âu lẫn Trung Đông.

Chuyến thăm của ông Kishida diễn ra trong bối cảnh vẫn còn lo ngại khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2024 bởi ông có chính sách đối ngoại khó đoán định khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới không khỏi lo lắng. Do đó, một trong những mục tiêu của ông Biden là tạo ra sự bền vững lâu dài nhất có thể trong mối quan hệ với Nhật Bản trước thềm cuộc bầu cử

Tổng thống Mỹ đang cận kề.

Đối với riêng cá nhân ông Kishida, cái bắt tay bền chặt hơn với chính quyền ông Biden thông qua sự kiện lần này có thể tạo thêm động lực chính trị cho ông và có thể tạo ra cú hích giúp đảo chiều đà suy giảm tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho nội các lúc này. Việc nâng cấp liên minh Mỹ-Nhật trong nhiệm kỳ của ông Kishida chắc chắn sẽ là thành tựu quan trọng giúp ông tái đắc cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Philippines sẽ nhận 100 tỷ USD đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản
Reuters dẫn lời Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manual Romualdez cho biết, Philippines dự kiến nhận các thỏa thuận đầu tư trị giá khoảng 100 tỷ USD trong 5-10 năm tới từ hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên với Mỹ và Nhật Bản tại Washington vào ngày 11-4. Các thỏa thuận đầu tư sẽ được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng và hạ tầng kỹ thuật số. Trước thềm hội nghị này, giới chức ba nước tái khẳng định, hợp tác giữa ba nước có ý nghĩa quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.