Tác nhân mới trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông

.

Sau khi Mỹ nhanh chóng xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương để ứng phó với sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc, tình hình địa chính trị ở Trung Đông có những thay đổi đáng kể.

Trước hết, để khai thác sự yếu thế của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt ở Syria, năm 2015, Nga bất ngờ đưa quân vào nước này để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và thiết lập các căn cứ không quân, hải quân. Sự trở lại của Nga ở Trung Đông tạo ra đối thủ đáng gờm, cạnh tranh tầm ảnh hưởng nơi mà Mỹ chốt chặn kể từ sau Thế chiến 2.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhân tố khác đáng chú ý đang khiến Mỹ và các đồng minh đau đầu tại Trung Đông. Trong thập niên qua, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng đáng kể, trong khi Trung Đông trở thành chiến trường quan trọng của cuộc đối đầu. Khi Mỹ công bố chiến lược xoay trục sang châu Á vào năm 2011, Trung Quốc đưa ra cách tiếp cận Trung Đông nhằm tăng cường can dự kinh tế với khu vực mà không bị vướng vào các diễn biến chính trị và quân sự.

Với sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI), bằng sự kết hợp giữa “Vành đai kinh tế trên đất liền” với “Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21”, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 123 tỷ USD vào Trung Đông. Trong hai năm 2020 và 2021, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Arab và Trung Đông tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc với 360%.

Nhìn tổng thể, 21 quốc gia Arab đã trở thành một phần của BRI. Cùng với đầu tư phát triển, Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ chính sách ngoại giao, nâng tầm ảnh hưởng sâu rộng. Ngày 10-3, tại Bắc Kinh, Iran và Saudi Arabia, hai cường quốc đối thủ ở Trung Đông, ký thỏa thuận lịch sử nối lại quan hệ ngoại giao sau hơn 7 năm “đóng băng”. Để làm được điều đó, Trung Quốc đã xây dựng chiến lược dài hơi, trong khi Mỹ liên tục bị “đứt đoạn” do chính sách ngoại giao của đảng Dân chủ và Cộng hòa khác nhau.

Thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Saudi Arabia. Quốc gia Trung Đông này là một trong số các nhà cung cấp dầu lửa chính cho Trung Quốc. Không giống Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác thương mại vô điều kiện với Saudi Arabia; đồng thời tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Iran. Tháng 3-2021, Trung Quốc và Iran ký thỏa thuận hợp tác chiến lược cho 25 năm.

Ông Trita Parsi, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Quincy Institute for Responsible Statecraft (Mỹ), nhận định thái độ trung lập của Trung Quốc trong xung khắc Iran - Saudi Arabia là một trong số các yếu tố chính giúp Bắc Kinh chuẩn bị thành công cuộc đàm phán hòa giải giữa hai cường quốc Trung Đông này.

Đây được xem là thắng lợi ngoại giao cho Trung Quốc và là diễn biến kịch tính chấm dứt ưu thế vượt trội của Mỹ ở Trung Đông, bởi lẽ Bắc Kinh đã hóa giải quan hệ căng thẳng Iran - Saudi Arabia, một bên là đối thủ, còn bên kia là đồng minh truyền thống của Mỹ tại khu vực.

Không những vậy, Trung Quốc còn muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Iran và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm các nước Arab ở Vịnh Ba Tư, tại Bắc Kinh vào cuối năm nay. Đây có thể là bước đầu tiên hướng tới kiến trúc an ninh cơ bản, khác biệt trong khu vực.

Diễn biến này cho thấy, Bắc Kinh đang khẳng định vai trò “tác nhân chính trị mới” của mình ở khu vực Trung Đông đầy biến động. Trung Quốc giờ đây không chỉ là khách hàng quen thuộc về dầu ở vùng Vịnh mà còn là đối tác chiến lược đáng tin cậy của nhiều nước ở khu vực này.

Các nhà quan sát cho rằng, sự kiện đó cũng đánh dấu cấp độ tham vọng mới của Bắc Kinh ở khu vực đầy ảnh hưởng của Washington trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.