Quốc tế

Cần hành động thay vì đặt tầm nhìn về biến đổi khí hậu

09:21, 31/01/2023 (GMT+7)

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập năm 2022 tạo dấu ấn đặc biệt với thỏa thuận về lập quỹ đền bù cho tổn thất từ thảm họa tự nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu mà các nước đang phát triển phải gánh chịu, cũng như làm chậm lại các tác động như hiện tượng nước biển dâng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cho rằng COP27 không đạt được nhiều tiến triển trong việc giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch vốn làm trái đất ấm lên.

Trong khi đó, theo nghiên cứu gần đây của Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC), biến đổi khí hậu sẽ khiến khủng hoảng nhân đạo toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2023. Số người cần hỗ trợ nhân đạo đã tăng cao trong thập niên qua từ mức 81 triệu vào năm 2014 lên 339,2 triệu trong năm 2022. Biến đổi khí hậu nằm trong số những yếu tố chủ chốt góp phần làm gia tăng tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, dù 20 quốc gia trong danh sách theo dõi của IRC chỉ chiếm 2% trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Tính đến tháng 11-2022, chênh lệch giữa nhu cầu hỗ trợ nhân đạo và mức hỗ trợ tài chính toàn cầu là 27 tỷ USD. Do đó, các cộng đồng chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng không thể tiếp cận dịch vụ thiết yếu để phục hồi và tái thiết. Đáng chú ý, năm 2022, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vượt mốc 100 triệu, tăng mạnh so với 60 triệu hồi năm 2014.

Ở khía cạnh đáng chú ý khác, ngày 20-1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, chính sách trợ cấp của các nước phương Tây nhằm chống biến đổi khí hậu và khuyến khích chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến các nền kinh tế đang phát triển. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa qua tại Davos (Thụy Sĩ), bà Georgieva cảnh báo: “Nếu chúng ta chỉ cố gắng để thế giới công nghiệp phát triển sạch hơn mà không nghĩ đến các thị trường mới nổi, chúng ta đều chịu hậu quả”.

Đơn cử, Tổng thống Mỹ Joe Bide đã thông qua đạo luật Giảm lạm phát (IRA), trong đó trợ cấp hào phóng và cắt giảm thuế lên tới 370 tỷ USD cho giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là chương trình lớn nhất của Mỹ nhằm chống biến đổi khí hậu nhưng Liên minh châu Âu (EU) lại lo ngại IRA vô hình trung sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất tới Mỹ vào đúng lúc khối này tìm cách củng cố nền tảng công nghiệp của mình.

Có thể nói, những mâu thuẫn, bất cập trên đã và đang làm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp bội phần. Do vậy, vấn đề đặt ra cho các nhà lãnh đạo thế giới là cần hành động cụ thể chứ không cần thêm những tầm nhìn về chống biến đổi khí hậu. Trong chuyến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước chủ nhà COP28 dự kiến diễn ra vào tháng 11-2023, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 29-1 nói: “Nhiều quốc gia, cá nhân đã đưa ra hàng loạt tầm nhìn nhưng chúng ta cần một hội nghị COP của các giải pháp và hành động thiết thực”.

Trong một diễn biến liên quan, theo AFP, ngày 28-1 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận tiến độ chậm trễ của việc thực thi các mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2030. Ông Macron nhấn mạnh: ‘‘Nếu muốn đạt mục tiêu vào năm 2030, chúng ta phải cắt giảm khí thải xuống còn 270 triệu tấn, thay vì 410 triệu tấn của năm 2022”. Điều này có nghĩa nước Pháp phải tăng gấp đôi nỗ lực so với 5 năm vừa qua. Tổng thống Pháp cũng vạch ra một số mốc thời gian cho cắt thảm khí thải từ đây đến tháng 6-2023. Đúng như giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) cảnh báo, biến đổi khí hậu không phải là cuộc khủng hoảng cấp tính. Nếu chúng ta không hành động đủ thì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế ở quy mô chưa từng có tiền lệ.

TUYẾT MINH

.