Quốc tế

WHO lo ngại nguy cơ đại dịch mới

09:27, 02/12/2020 (GMT+7)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, có nguy cơ xảy ra thêm đại dịch trong tương lai nếu không rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này.

Du khách xếp hàng bên ngoài một Trung tâm xét nghiệm cộng đồng ở Hong Kong (Trung Quốc) chờ xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 30-11. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images
Du khách xếp hàng bên ngoài một Trung tâm xét nghiệm cộng đồng ở Hong Kong (Trung Quốc) chờ xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 30-11. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30-11 (giờ địa phương), Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, bày tỏ lo ngại về nguy cơ có thêm các đại dịch mới nếu không rút ra những bài học từ Covid-19, tiếp tục bỏ qua thực tế các mầm bệnh nguy hiểm và mới nổi. Phát biểu này được đưa ra trong lúc thế giới có hơn 63,2 triệu ca mắc Covid-19 và 1,4 triệu ca tử vong, theo báo South China Morning Post. Nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch bệnh như Mexico, Brazil; trong khi châu Âu - khu vực tâm dịch của thế giới - đứng trước nguy cơ làn sóng thứ ba.

Hãng Reuters dẫn lời ông Ryan cho rằng, các quốc gia phát triển đang vận hành hệ thống chăm sóc sức khỏe “như các hãng hàng không giá rẻ” và thế giới đang phải trả giá cho điều đó. Theo lý giải của ông, hệ thống y tế của các nước này không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, nên khi xảy ra dịch bệnh, lượng bệnh nhân tăng đột biến, các bệnh viện quá tải, không đủ khả năng chữa trị.

Tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2

Trong lúc đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thúc giục các nước không chính trị hóa về nguồn gốc của SARS-CoV-2 và cho rằng điều này sẽ chỉ tạo ra các rào cản tìm ra sự thật. “Chúng ta cần biết nguồn gốc của loại virus này vì có thể giúp chúng ta ngăn chặn sự bùng phát dịch trong tương lai”, ông Tedros nói. “Không có điều gì để che giấu. Chúng ta muốn biết nguồn gốc (của SARS-CoV-2)”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.

Trước đó, chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát Covid-19 và WHO quá thân thiết với Bắc Kinh. Washington cũng chỉ trích cuộc điều tra do WHO dẫn đầu về nguồn gốc của đại dịch. Theo hãng tin AFP, nhóm chuyên gia gồm 10 nhà khoa học của WHO đang điều tra về Covid-19 nhưng không có gì bảo đảm họ sẽ thành công.

Các nhà khoa học thống nhất rằng, Covid-19 bắt nguồn từ động vật. Nhưng ông Etienne Simon-Loriere thuộc khoa Virus học, Viện Pasteur ở Paris (Pháp) nói với hãng AFP: “Câu hỏi lớn là điều gì đã khiến virus lây từ động vật sang người”. Theo ông Etienne Simon-Loriere, cần tìm hiểu để tránh sự xuất hiện của “SAR-CoV-3, SAR-CoV-4…”.

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng họ cố tình che giấu thông tin liên quan SARS-CoV-2. Báo chí của Trung Quốc vẫn cho rằng, virus này đã tồn tại ở nước ngoài trước khi được phát hiện ở một chợ hải sản tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm ngoái. 

Mỹ: Hơn 160.000 ca nhiễm mới mỗi ngày

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 13,5 triệu ca nhiễm và 268.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Trung bình mỗi ngày, Mỹ chứng kiến hơn 160.000 ca nhiễm mới và hơn 1.400 ca tử vong.

Khi kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vừa kết thúc, nhiều bang ở Mỹ siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Theo hãng tin AP, thành phố Los Angeles (bang California) yêu cầu người dân ở nhà. Hạt Santa Clara - trung tâm của Thung lũng Silicon - đóng cửa các trường THPT, trường đại học và các khu thể thao chuyên nghiệp, đồng thời yêu cầu cách ly đối với những ai đã đi khỏi phạm vi 150 dặm ngoài địa phận hạt. Bang New Jersey ngừng mọi hoạt động thể thao của giới trẻ. Tại bang Hawaii, những người trở về từ các địa điểm bên kia Thái Bình Dương mà không có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính đều phải thực hiện cách ly 14 ngày. Ngay cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính cũng được lựa chọn ngẫu nhiên để thực hiện một xét nghiệm khác.

Tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio thông báo, chính quyền đang đẩy nhanh công tác xét nghiệm. Ông Blasio nói rằng, Covid-19 có thể là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà người dân thành phố từng đối mặt và xét nghiệm chính là giải pháp. Chính quyền New York đang tăng thêm 20 khu vực xét nghiệm trên toàn thành phố để tạo thuận lợi cho hoạt động xét nghiệm và đối phó với làn sóng lây nhiễm mới.

Các chuyên gia y tế đã yêu cầu người dân Mỹ ở nhà suốt dịp Lễ Tạ ơn và không gặp gỡ bất kỳ ai. Theo các quan chức y tế, mọi người cần cảnh giác cho đến khi vắc-xin ngừa Covid-19 được phổ biến rộng rãi.

PHÚC KHANG

.