Quốc tế

Mỹ: 100 ngày đeo khẩu trang

08:48, 05/12/2020 (GMT+7)

Ông Joe Biden sẽ yêu cầu người dân Mỹ cam kết đeo khẩu trang 100 ngày để phòng Covid-19 và đây là động thái đầu tiên của ông sau khi nhậm chức Tổng thống vào ngày 20-1-2021.

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Joe Biden thường xuyên đeo khẩu trang. Ảnh: Getty Images
Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Joe Biden thường xuyên đeo khẩu trang. Ảnh: Getty Images

Hãng AP cho biết, việc ông Biden yêu cầu người dân đeo khẩu trang trái ngược hẳn với quan điểm của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Các chuyên gia y tế cho rằng, đeo khẩu trang là cách dễ dàng nhất để kiểm soát đại dịch đang làm hơn 276.300 người Mỹ tử vong, số người nhiễm lên đến ít nhất 14 triệu người. Theo hãng CNN, ngày 3-12, Mỹ thông báo có thêm hơn 217.600 ca nhiễm và 2.800 ca tử vong - những con số cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể khi đại dịch bùng phát.

Đeo khẩu trang là “nghĩa vụ yêu nước”

Giải quyết khủng hoảng y tế và khôi phục kinh tế là những ưu tiên hàng đầu của ông Biden sau khi nhậm chức. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden thường xuyên đeo khẩu trang, đồng thời nhấn mạnh việc đeo khẩu trang trong lúc xảy ra Covid-19 là “nghĩa vụ yêu nước”. Phát biểu với đài CNN, ông Biden cho biết ngay trong ngày nhậm chức 20-1-2021 sẽ yêu cầu toàn dân Mỹ thực hiện đeo khẩu trang. “Trong ngày đầu tiên tuyên thệ, tôi sẽ yêu cầu người dân đeo khẩu trang trong 100 ngày. Chỉ 100 ngày đeo khẩu trang, không phải mãi mãi. Và tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ thấy số ca nhiễm giảm đáng kể”, ông Biden nói.

Ông Biden một lần nữa kêu gọi các nghị sĩ thông qua dự luật viện trợ kinh tế, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ gói kích cầu 900 tỷ USD mà các nhà lập pháp lưỡng đảng đã đưa ra trong tuần này. GDP của Mỹ lao dốc trong quý 2 vừa qua và hàng chục triệu người hiện thất nghiệp. Tuần trước, các nhà nghiên cứu của Mỹ nhận định, thiệt hại kinh tế do Covid-19 sẽ khiến cường quốc này mất 4.800 tỷ USD trong tổng sản phẩm quốc dân ròng (NNP), tương đương 23% trong giai đoạn từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2022, nếu người Mỹ không đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng.

TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh nhiễm quốc gia Mỹ, đã chính thức gặp nhóm chuyển giao của ông Biden vào ngày 3-12 để thảo luận kế hoạch ứng phó đại dịch. Ông Biden dự kiến đề nghị TS. Anthony Fauci tham gia chính phủ mới với vai trò “cố vấn y tế chủ chốt” trong nhóm cố vấn phòng, chống Covid-19.

Ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, cảnh báo đại dịch sẽ gây ra khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất cho quốc gia này trong một vài tháng tới, trước khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi. Giới chức Mỹ hy vọng vắc-xin của Pfizer/BioNTech sẽ được cấp phép trong tháng này. Công ty Pfizer đã nộp đơn đề nghị Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ cấp phép dùng trong trường hợp khẩn cấp với vắc-xin ngừa Covid-19 của họ. Còn nhà sản xuất vắc-xin Moderna ngày 3-12 thông báo, họ sẽ có khoảng 100-125 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong quý 1-2021 và hầu hết được phân phối cho thị trường Mỹ. Khoảng 20 triệu người dân Mỹ sẽ được tiêm vắc-xin vào cuối năm nay, mỗi người tiêm 2 liều.

Ứng phó với Covid-19 cần toàn diện và lâu dài

Theo hãng tin Reuters, thế giới hiện có tổng cộng hơn 1,5 triệu ca tử vong vì Covid-19. Trong tuần qua, trung bình có hơn 10.000 người chết mỗi ngày. Trong khi đó, đến tháng 12, vắc-xin ngừa Covid-19 mới bắt đầu được phân phối đến người dân ở một số nước phát triển. Nhiều nước trên thế giới đang ứng phó với làn sóng thứ hai và làn sóng thứ ba của dịch bệnh, với mức độ nghiêm trọng hơn làn sóng thứ nhất.

Trong hai ngày 3 và 4-12, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Covid-19 diễn ra tại New York (Mỹ) nhằm bàn thảo về hậu quả của đại dịch, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó; đồng thời thảo luận cách thức phối hợp đa phương bảo đảm tiếp cận và phân phối công bằng vắc-xin ngừa Covid-19
Báo AP cho hay, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, ứng phó với Covid-19 cần phải toàn diện và lâu dài vì dịch bệnh không thể sớm chấm dứt. Việc mở cửa lại các hoạt động kinh tế cần bảo đảm thực hiện phòng tránh lây nhiễm nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng vừa ban hành những hướng dẫn mới, trong đó siết chặt hơn việc đeo khẩu trang tại các vùng lây lan dịch.

PHÚC NGUYÊN

.