Lệnh cấm vận vũ khí hết hạn, Iran vẫn gặp khó

.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo sẽ trừng phạt bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào mua bán vũ khí với Iran sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc (LHQ) với nước Cộng hòa Hồi giáo này hết hạn từ ngày 18-10.

Iran phóng tên lửa hành trình do nước này sản xuất trong cuộc tập trận gần cửa ngõ vùng Vịnh ngày 17-6-2020. 					                   Ảnh: Reuters
Iran phóng tên lửa hành trình do nước này sản xuất trong cuộc tập trận gần cửa ngõ vùng Vịnh ngày 17-6-2020. Ảnh: Reuters

Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ dù vấp phải sự phản đối của Mỹ nhưng lại phù hợp với thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Trước thềm “sự kiện lịch sử” 18-10, Iran tuyên bố nước này được tự do mua vũ khí để tăng cường năng lực quốc phòng.

Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif mô tả ngày 18-10 là thời điểm quan trọng, đồng thời gọi đây là “chiến thắng cho chủ nghĩa đa phương, cho hòa bình và an ninh trong khu vực của chúng ta”. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là một trong những thành quả của JCPOA.

Theo điều khoản của JCPOA, Iran phải thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm vận vũ khí của LHQ được dỡ bỏ sau 5 năm kể từ khi ký kết thỏa thuận vào ngày 15-10-2015.

Hồi tháng 7, ba nước châu Âu tham gia thỏa thuận bao gồm Anh, Pháp và Đức cam kết thực hiện đầy đủ JCPOA, cho rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ có tác động lớn đến an ninh cũng như sự ổn định của khu vực. Tháng 9 vừa qua, 3 nước châu Âu nói trên khẳng định vẫn theo đuổi việc nới lỏng trừng phạt Iran và bất kỳ quyết định nào về việc tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran là không hợp pháp. Giờ đây, dư luận đang chờ bước đi tiếp theo từ London, Paris, Berlin và cả Nga, Trung Quốc - đều là những nước tham gia ký JCPOA.

Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran bằng cách thúc giục Hội đồng Bảo an LHQ kéo dài lệnh cấm. Song, Hội đồng Bảo an bác bỏ các dự thảo nghị quyết do Washington đưa ra vì cường quốc này đã rút khỏi JCPOA hồi năm 2018. Vì vậy, chính phủ của Tổng thống Donald Trump phải đơn phương kích hoạt các biện pháp trừng phạt Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 18-10 tuyên bố bất kỳ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào bán vũ khí cho Iran sẽ vi phạm quy định của LHQ và bị Washington trừng phạt. “10 năm qua, các nước đã hạn chế bán vũ khí cho Iran theo lệnh cấm của LHQ. Bất kỳ quốc gia nào thách thức lệnh cấm này sẽ châm ngòi cho những cuộc xung đột và căng thẳng hơn là thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới”, hãng AP dẫn lời ông Pompeo nói.

Cũng theo AP, năm 2019, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) dự đoán, nếu lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực, Iran sẽ có thể theo đuổi việc mua các máy bay chiến đấu Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130, xe tăng T-90 của Nga, hay hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Moscow. DIA còn cho rằng, Trung Quốc cũng có thể bán vũ khí cho Iran.

Giới quan sát cho rằng, việc Iran tuyên bố chiến thắng là quá sớm. Thực tế, khi lệnh cấm vận vũ khí được chính thức dỡ bỏ, giới chức Iran cho biết, Tehran sẽ không đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí gây tốn kém. Tehran lý giải rằng, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này là “tự cung, tự cấp” nên sẽ không mua sắm vũ khí ồ ạt.

Theo AP, Iran sẽ không thể tiến hành một cuộc mua sắm vũ khí lớn bởi một số ràng buộc, chẳng hạn như lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Nga và Trung Quốc cũng có thể không hài lòng về việc Iran được tự do mua vũ khí, mặc dù Moscow và Bắc Kinh phản đối Washington theo đuổi chiến dịch “gây sức ép với Tehran”.

Hơn nữa, với nền kinh tế khó khăn, nhất là ngành công nghiệp dầu thô, do những biện pháp trừng phạt, cùng với đó là ảnh hưởng Covid-19, Iran sẽ khó có đủ tiềm lực tài chính để đẩy nhanh việc hiện đại hóa hệ thống quốc phòng. Hiện nước Cộng hòa Hồi giáo này có hơn 534.600 ca mắc Covid-19. Iran vẫn đang gặp khó trong lúc nước này chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6-2021.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.