Châu Âu lại áp đặt lệnh giới nghiêm vì Covid-19

.

Các chính phủ trên khắp châu Âu đang lựa chọn giữa hai chiến lược khác nhau để ứng phó với làn sóng thứ hai của Covid-19: hoặc đóng cửa, hoặc chỉ áp đặt một số hạn chế và tiếp tục mở cửa nền kinh tế.

Một nhà hàng tại Paris vắng khách khi Pháp thực hiện các biện pháp ngăn chặn Covid-19 lây lan. 								Ảnh: Reuters
Một nhà hàng tại Paris vắng khách khi Pháp thực hiện các biện pháp ngăn chặn Covid-19 lây lan. Ảnh: Reuters

Theo CNN, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn châu Âu trung bình vượt quá 100.000 người/ngày, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca nhiễm mới hằng ngày của toàn thế giới và cao hơn mức trung bình hằng ngày của Mỹ khoảng 50.000 ca. Khủng hoảng y tế này đã xảy ra ở “lục địa già” lần đầu vào mùa xuân năm nay, và giờ đây đang quay trở lại.

Hãng AFP cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trong ít nhất 4 tuần kể từ ngày 17-10 tại thủ đô Paris và 8 thành phố khác (Grenoble, Lille, Lyon, Marseille, Montpellier, Rouen, Saint-Etienne và Toulouse) nhằm kiểm soát Covid-19 lây lan sau khi số ca nhiễm mới tăng lên ở mức báo động. Theo đó, khoảng 20 triệu người trong tổng dân số 67 triệu người sẽ bị ảnh hưởng lệnh giới nghiêm.

Phát biểu trên truyền hình, ông Macron nói rằng, lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ những lý do đặc biệt. “Chúng ta phải hành động. Chúng ta cần ngăn chặn virus lây lan”, ông Macron nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Pháp cho hay, nước ông phải đối phó với Covid-19 cho đến ít nhất mùa hè năm 2021 và tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với quan điểm này.

Người đứng đầu Điện Élysée thúc giục người dân hạn chế tập trung trong nhà 6 người trở lên và luôn đeo khẩu trang trong những dịp như vậy. Các phương tiện công cộng vẫn tiếp tục hoạt động. Song, những người đi lại trong khoảng thời gian giới nghiêm phải có giấy chứng nhận về lý do di chuyển. Người vi phạm sẽ bị phạt 135 euro (159 USD) và phạt gấp 10 lần số tiền này đối với những người tái phạm. Giới chức Pháp ngày 14-10 ghi nhận thêm hơn 22.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 779.000, trong đó có hơn 33.000 người tử vong.

Tại Anh, Thị trưởng London Sadiq Khan viết trên Twitter rằng, thủ đô này sẽ chuyển sang mức báo động cao ở cấp độ 2 để phòng, chống Covid-19. Theo đó, người dân London sẽ bị cấm gặp gỡ các gia đình khác trong bất kỳ trường hợp nào và nếu có thể thì tránh cả việc sử dụng các phương tiện công cộng. Ông Khan chỉ trích chương trình xét nghiệm, theo dõi và truy vết của chính phủ, cho rằng đây là sự thất bại khi ứng phó với Covid-19.

Trong khi đó, theo Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, các nhà chức trách nước này ngày 15-10 ghi nhận hơn 6.600 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 341.000, trong đó có ít nhất 9.700 trường hợp tử vong. CNN cho rằng, con số 6.600 đánh dấu số ca nhiễm mới ở mức cao nhất trong một ngày ở Đức kể từ ngày 28-3 đến nay. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà và lãnh đạo 16 bang đã đồng ý áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế virus lây lan, nhưng không nói rõ đó là biện pháp gì. “Dựa theo các con số hằng ngày, chúng ta đang trong giai đoạn tăng theo cấp số nhân (về số ca nhiễm mới)”, bà Merkel nhấn mạnh.

Ý cũng có số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận trong vòng 24 giờ, theo thống kê của Bộ Y tế. Cụ thể, các nhà chức trách ngày 14-10 công bố hơn 7.300 ca nhiễm mới và 43 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 372.700 ca và tổng số ca tử vong gần 36.300. Ý là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong làn sóng Covid-19 đầu tiên và nước này giờ đang phải ứng phó với một làn sóng khác.

Cộng hòa Czech cũng có số ca nhiễm mới tăng cao: hơn 9.500 ca trong ngày 14-10. Theo đó, quốc gia Trung Âu này hiện có gần 140.000 ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Theo CNN, làn sóng thứ hai xuất hiện khiến nhiều người cho rằng, việc đóng cửa để ngăn chặn dịch trong làn sóng đầu tiên là cái giá quá đắt vì những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Hầu hết các chuyên gia y tế và kinh tế nhận định, về lâu dài, việc phong tỏa ngắn hạn vẫn tốt hơn là thực hiện chiến dịch tổng thể để ngăn chặn đại dịch.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.