Israel xích lại gần thế giới Arab

.

Chuyến bay thương mại đầu tiên cất cánh từ sân bay Ben-Gurion của Israel và hạ cánh ở thủ đô Abu Dhabi của Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 31-8 đánh dấu bước đột phá trong mối quan hệ giữa Tel Aviv với thế giới Arab.

Chuyến bay thương mại đầu tiên cất cánh từ sân bay Ben-Gurion của Israel và hạ cánh ở thủ đô Abu Dhabi của Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 31-8 đánh dấu bước đột phá trong mối quan hệ giữa Tel Aviv với thế giới Arab.
Cố vấn An ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat (trái), Cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Jared Kushner (giữa) và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien lên máy bay của hãng El Al để đến thủ đô Abu Dhabi (UAE). Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, chiếc Boeing 737-900 của hãng El Al, số hiệu LY971, là bước thực thi thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE, củng cố “mối quan hệ bí mật” đã tồn tại trong thời gian dài giữa hai nước. Bên ngoài cửa sổ buồng lái chiếc Boeing 737-900, chữ “Hòa bình” được viết bằng 3 thứ tiếng: Arab, Anh và Do Thái.

Chuyến bay chở theo phái đoàn Mỹ, trong đó có Cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của Tổng thống Donald Trump; Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien; Đại diện Mỹ ở Trung Đông Avi Berkowitz và Đại diện Mỹ ở Iran Brian Hook. Dẫn đầu phái đoàn Israel là Cố vấn An ninh quốc gia Meir Ben-Shabbat.

Phát biểu với báo giới trước khi lên máy bay, ông Kushner gọi đây là chuyến bay lịch sử. “Điều này sẽ khởi đầu hành trình lịch sử cho Trung Đông và hơn thế nữa”, ông Kushner nói. Ông Meir Ben-Shabbat cho rằng, chuyến đi này sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác trong các lĩnh vực như du lịch, y tế, công nghệ và thương mại.

Theo hãng AP, điều đáng nói là chuyến bay LY971 được cho là bay qua không phận Saudi Arabia, quốc gia chưa công nhận Nhà nước Israel. Nếu đúng như vậy sẽ là bước tiến đáng kể trong mối quan hệ giữa Israel với thế giới Arab, điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mong muốn. Ông Kushner cũng cho rằng, các nước Arab khác sẽ tiếp bước UAE ký thỏa thuận với Israel. Tuy nhiên, Cố vấn cao cấp của Nhà Trắng không chỉ ra dấu hiệu nào cho thấy sắp có thêm thỏa thuận tương tự.

Ngày 13-8, với sự trung gian của Mỹ, Israel và UAE đã thống nhất bình thường hóa quan hệ trong một hiệp ước mang tên Abraham. Theo đó, UAE trở thành quốc gia Arab thứ ba (sau Ai Cập và Jordan) có mối quan hệ toàn diện với Israel. Liên lạc giữa hai nước được kết nối; lãnh đạo UAE cũng đã ra sắc lệnh chấm dứt việc tẩy chay kinh tế Israel. Vì vậy, chuyến bay lịch sử từ Tel Aviv đến Abu Dhabi sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa, chẳng hạn trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng và tài chính.

Lễ ký kết Hiệp ước Abraham có thể sẽ diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ) trước dịp Tết năm mới của Israel, tức ngày 18-9. UAE cho rằng, Hiệp ước Abraham là công cụ để buộc Israel ngừng việc sáp nhập Bờ Tây theo đúng nguyện vọng của người Palestine. Hơn nữa, hiệp ước này có thể giúp UAE có được các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ như máy bay chiến đấu F-35. Hiện Israel là quốc gia duy nhất trong khu vực có loại máy bay chiến đấu tàng hình này. 

Đối với Palestine, việc Israel xích lại gần UAE hay thế giới Arab là “cơn ác mộng” bởi các nước Arab đang phớt lờ lợi ích của người Palestine. Trong thời gian qua, người Palestine đã tổ chức biểu tình, thậm chí giận dữ đốt cờ của UAE, đồng thời chỉ trích rằng, Trung Đông sẽ không thể có được hòa bình nếu bỏ qua tiếng nói của Palestine.

Đối với Israel, Hiệp ước Abraham là một thắng lợi lớn. Tel Aviv giờ đây hào hứng thúc đẩy việc trao đổi các đại sứ quán, phát triển du lịch đến vùng Vịnh, củng cố cơ hội kinh doanh với UAE, một nước có chung thiên hướng về công nghệ và đổi mới. Theo AP, Thủ tướng Netanyahu vui mừng với “thành tựu” của mình và cho rằng Hiệp ước Abraham chứng minh tầm nhìn của ông, đó là hòa bình ở khu vực Trung Đông không cần sự chấp thuận của người Palestine. Song, những người ủng hộ ở quê nhà chỉ trích ông đã bỏ qua cơ hội sáp nhập Bờ Tây và đồng ý ngầm thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và UAE, điều này có thể làm suy yếu vị thế của Israel ở khu vực.

Còn với Tổng thống Trump, Hiệp ước Abraham là một thắng lợi về chính sách ngoại giao then chốt khi ông đang tái tranh cử. Thỏa thuận Israel - UAE làm hài lòng cả hai đảng ở Washington và chuyến công du Trung Đông hồi tuần trước của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng không ngoài mục đích giúp ông Trump ghi điểm trong cuộc bỏ phiếu quan trọng sắp tới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.