Nga khẳng định vắc-xin ngừa Covid-19 có độ an toàn cao

.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko bác bỏ những hoài nghi về chất lượng vắc-xin ngừa Covid-19 mà Moscow vừa đăng ký và cho biết lô vắc-xin đầu tiên sẽ chính thức ra mắt trong 2 tuần tới.

Mẫu vắc-xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik-V của Nga. 	  Ảnh: Reuters
Mẫu vắc-xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik-V của Nga. Ảnh: Reuters

Hãng TASS dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12-8 khẳng định, các cáo buộc vắc-xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik-V của Moscow không an toàn là không có cơ sở và xuất phát từ tâm lý cạnh tranh. “Các đồng nghiệp nước ngoài, những người nhận thấy sự cạnh tranh nhất định, đã biết lợi thế của vắc-xin Nga và đang tìm cách bày tỏ một số quan điểm mà theo chúng tôi là hoàn toàn không có cơ sở”, ông Murashko nói. 

Bộ trưởng Y tế Nga cũng cho hay, nước ông sẽ chính thức ra mắt lô vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trong 2 tuần tới và việc tiêm chủng là hoàn toàn tự nguyện. “Một số bác sĩ có sẵn miễn dịch chống SARS-CoV-2, khoảng 20%... Tôi nghĩ họ không cần tiêm chủng nhưng quyết định tùy thuộc ở họ”, ông Murashko phát biểu. Theo đó, chính phủ Nga sẽ xuất khẩu vắc-xin nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là phục vụ người dân trong nước giữa lúc quốc gia này ghi nhận hàng nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày.  

Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Nga nhấn mạnh, kết quả thử nghiệm cho thấy vắc-xin Sputnik-V phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm. Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga cũng cho rằng, vắc-xin Sputnik-V được ra đời trong thời gian ngắn một phần vì đây là phiên bản cải tiến của vắc-xin chống lại virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) vốn có mối liên hệ khá mật thiết với Covid-19. Cũng theo ông Dmitriev, Nga sẵn sàng sản xuất hơn 500 triệu liều vắc-xin/năm tại 5 quốc gia (gồm Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Cuba) và dự kiến đẩy mạnh năng lực sản xuất hơn nữa.

Ngày 11-8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sở hữu vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên của thế giới, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và sinh vật học Gamaleya cùng Viện Nghiên cứu 48 - Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Theo đó, Moscow trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp giấy phép đăng ký vắc-xin ngừa Covid-19 sau vỏn vẹn gần 2 tháng thử nghiệm trên người.

Tuyên bố của Tổng thống Putin thu hút sự chú ý và hoài nghi của Mỹ cùng các nước phương Tây, đồng thời làm dấy lên cuộc chạy đua nước rút để tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19. Hãng AP dẫn lời Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng, vấn đề không phải là có vắc-xin đầu tiên mà là vắc-xin an toàn. Chính phủ Mỹ vừa ký thỏa thuận mua 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 từ Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), trị giá 1,5 tỷ USD (tương đương 15 USD/liều). Người dân Mỹ sẽ được tiếp cận 100 triệu liều vắc-xin này miễn phí.

Trong khi đó, Bộ Y tế Đức khẳng định không đàm phán cùng phát triển vắc-xin với Nga bởi trước khi sử dụng vắc-xin, cần chứng minh “sự tích cực của lợi ích trước nguy cơ”. Phát biểu với đài DLF của Đức, Bộ trưởng Y tế nước này, ông Jens Spahn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra vắc-xin an toàn, đã được kiểm nghiệm thông qua các nghiên cứu và công khai kết quả để tiêm cho hàng triệu người, thậm chí hàng tỷ người. Về phía Israel, Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein cho hay, Tel Aviv sẽ kiểm tra vắc-xin Sputnik-V và tiến hành đàm phán để mua nếu tin rằng đây là “sản phẩm nghiêm túc”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan tâm đặc biệt đến vắc-xin Sputnik-V. Tại Geneva (Thụy Sĩ), theo Reuters, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết, tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ và thảo luận với giới chức y tế Nga. Người phát ngôn Jasarevic khẳng định, quá trình WHO thông qua
vắc-xin đòi hỏi phải xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu an toàn, hiệu quả.

Hãng Reuters cho biết, ngày 12-8, Nga ghi nhận hơn 5.100 ca mắc Covid-19 mới và thêm 129 ca tử vong. Theo đó, Nga hiện có tổng cộng hơn 902.000 ca nhiễm và 15.200 ca tử vong.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.