Khi Tổng thống Mỹ đeo khẩu trang

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã chấp nhận đeo khẩu trang khi đến thăm Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed ở ngoại ô thủ đô Washington hôm 11-7 (giờ địa phương). Song, khi nhà lãnh đạo Mỹ đeo khẩu trang thì Covid-19 đã lan tràn khắp đất nước, làm hơn 3,2 triệu người nhiễm.

Tổng thống Donald Trump đeo khẩu trang khi thăm Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump đeo khẩu trang khi thăm Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed. Ảnh: AP

Hãng AFP cho biết, Tổng thống Trump thăm Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed, gặp gỡ các quân nhân bị thương và các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên ông đeo khẩu trang khi xuất hiện trước công chúng.  

Trước đó, trong các cuộc tuần hành, họp báo và ở những sự kiện khác, ông Trump đều liên tục từ chối việc đeo khẩu trang, đồng thời kêu gọi người Mỹ làm theo mình, ngay cả khi Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến cáo người dân nên khẩu trang ở nơi công cộng. Người đứng đầu Nhà Trắng bảo lưu quan điểm việc đeo khẩu trang là quyền lựa chọn cá nhân, mặc dù ông thừa nhận rằng bản thân sẽ đeo nếu có mặt ở nơi đông người và không thể giữ khoảng cách với người khác. Tuy nhiên, giờ đây, trước khi rời Nhà Trắng để đến Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed, ông Trump nói: “Tôi chưa bao giờ phản đối việc đeo khẩu trang, nhưng tôi tin rằng nên đeo đúng lúc và đúng nơi”.

Hồi đầu tháng 7, trả lời phỏng vấn Fox Business, Tổng thống Trump cũng nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đeo khẩu trang. Tôi nghĩ khẩu trang là vật dụng tốt”. Giới quan sát cho rằng, có sự thay đổi về quan điểm của ông Trump. Trong khi Phó Tổng thống Mike Pence hay Jared Kushner - con rể của ông Trump thường đeo khẩu trang ở nơi công cộng thì ông chủ Nhà Trắng chưa từng làm vậy. Thậm chí, trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 5, ông đã mắng một nhà báo của hãng Reuters vì người này đeo khẩu trang.

Các hãng thông tấn Mỹ đều đồng loạt đưa tin về việc ông Trump đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng, xem đây là sự kiện. Theo New York Times, hành động này phù hợp khi chiến dịch tranh cử của ông Trump và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - ông Joe Biden đều đang chuyển hướng tập trung vào đại dịch Covid-19. Hãng CNN dẫn thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, ngày 11-7, nước này ghi nhận hơn 61.300 ca nhiễm mới và 685 ca tử vong.

Đây cũng là số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở Mỹ. Theo đó, kể từ khi nước Mỹ phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 21-1-2020, chỉ gần 6 tháng sau, nền kinh tế lớn nhất thế giới có tổng cộng hơn 3,2 triệu ca nhiễm và ít nhất 134.700 ca tử vong. TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, hồi cuối tháng 6 dự báo số ca nhiễm mới ở Mỹ có thể lên đến 100.000 ca/ngày nếu không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội.

Thực tế, dù Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới nhưng Tổng thống Trump luôn bảo vệ cách thức ứng phó của chính phủ đối với Covid-19. Đội ngũ thực hiện chiến dịch tranh cử của ông muốn thuyết phục người dân Mỹ rằng, họ có thể sống chung với Covid-19 thông qua việc tái khởi động nền kinh tế, mở cửa trường học…

Với việc mở cửa trở lại, tình hình kinh tế trước mắt có thể được cải thiện phần nào, tỷ lệ thất nghiệp giảm; nhưng về lâu dài, khi số ca nhiễm cứ liên tục gia tăng thì chưa rõ bức tranh sẽ ảm đạm đến mức nào. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử. Đối thủ của ông Trump - ứng cử viên Biden nhiều lần công kích về phản ứng của chính phủ trước Covid-19, đồng thời đưa ra kế hoạch rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ cho thấy chính phủ liên bang có vai trò như thế nào trong việc ứng phó với đại dịch.

Thêm vào đó, khảo sát do Viện Gallup thực hiện và công bố mới đây cho thấy, khoảng 65% số người Mỹ được hỏi cho rằng, tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn. Khảo sát của báo Washington Post cũng cho hay, ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump 11 điểm vào tháng 6.

Những con số này cho thấy người Mỹ đang lo lắng. Trong những ngày qua, một số bang ở Mỹ tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch như: bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cấm tập trung quá 10 người, giữ khoảng cách 2m, phạt tiền những người vi phạm. Tuy nhiên, sự cứng rắn này vẫn không ngăn ngừa số ca nhiễm tiếp tục gia tăng.

VĨNH AN

 

;
;
.
.
.
.
.