Mỹ lo ngại làn sóng Covid-19 mới

.

Nhiều tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng nói về việc bước sang một trang mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nhưng giờ đây, Nhà Trắng lo ngại các cuộc biểu tình có thể làm dấy lên làn sóng Covid-19 mới.  

Các chuyên gia y tế Mỹ lo ngại dòng người biểu tình sẽ làm gia tăng số ca mắc Covid-19.  Ảnh: Reuters
Các chuyên gia y tế Mỹ lo ngại dòng người biểu tình sẽ làm gia tăng số ca mắc Covid-19. Ảnh: Reuters

Trong tuần này, Tổng thống Donald Trump tự mô tả ông là “Tổng thống của luật pháp và trật tự” khi phản ứng với làn sóng biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ. Phong trào biểu tình “Tôi không thở được” sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd phủ bóng lên đại dịch vốn làm 1,8 triệu người Mỹ nhiễm và 107.000 ca tử vong, đồng thời làm lu mờ triển vọng tái đắc cử của ông Trump.

Số ca nhiễm có thể tiếp tục tăng

Vấn đề đặt ra ngay lúc này không phải là sự phân cực sâu sắc ở nước Mỹ, sự kỳ thị người da màu, mà là làn sóng Covid-19 mới, bởi những đám đông biểu tình có thể làm số ca nhiễm gia tăng. Theo hãng tin AP, hàng ngàn người Mỹ mang khẩu trang và cả không mang khẩu trang đã đổ xuống đường phố trong suốt tuần qua, bất chấp quy định giãn cách xã hội từ các thống đốc cũng như Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của nước này.

Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng vốn đưa ra nhiều khuyến cáo lúc nước Mỹ dần mở cửa trở lại, giờ đây cũng lo ngại khả năng tỷ lệ lây nhiễm gia tăng. Các chuyên gia y tế cho rằng, Covid-19 có thể lây lan nhanh khi những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng và họ vẫn tham gia dòng người biểu tình. TS. Ashish Jha, Giáo sư và Giám đốc Viện sức khỏe toàn cầu của Đại học Harvard (Mỹ) vài ngày trước cho hay, hơn một nửa số ca mắc Covid-19 là lây nhiễm từ những người không có triệu chứng.

Nhà nghiên cứu lịch sử y học Howard Markel cho rằng, việc cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình có thể khiến mọi người ho; tác động đến mắt, mũi, miệng, làm tăng khả năng lây nhiễm. Việc người biểu tình hô vang các khẩu hiệu cũng làm tăng nguy cơ này.

Trở ngại với tiến trình phục hồi kinh tế

Trong lúc đó, theo các cố vấn của Tổng thống Trump, cần phục hồi kinh tế trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Song, nếu số ca nhiễm gia tăng trong những tuần tới sẽ làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế. “Làn sóng thứ hai xảy ra bây giờ hoặc vào tháng 9 sẽ là trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế và hy vọng tái đắc cử của ông Trump”, hãng AP dẫn lời chiến lược gia của đảng Cộng hòa Alex Conant nói, đồng thời nhấn mạnh: “Những gì ông Trump cần hơn bất kỳ điều gì khác là sự hồi sinh niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Làn sóng thứ hai hay tình trạng bất ổn dân sự kéo dài sẽ hủy hoại điều đó”.

Vậy thì Nhà Trắng có sẵn sàng xử lý làn sóng thứ hai hay không khi nhiều bang bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế theo từng giai đoạn? Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere khẳng định: “Tổng thống Trump tiếp tục dẫn dắt đất nước ứng phó một đại dịch chưa từng có, với những công việc như cấp tốc phát triển vắc-xin, mở cửa lại nền kinh tế một cách trách nhiệm, đồng thời có hành động kiên quyết khôi phục luật pháp và trật tự trên đường phố, bảo đảm công lý”.

Lúc Covid-19 bùng phát ở Mỹ, Tổng thống Trump không đánh giá đúng tác động của đại dịch lên nền kinh tế và điều này sẽ làm ông mất điểm trong cuộc bầu cử sắp tới. Hiện hơn 41 triệu người mất việc làm; tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 4 tăng lên 14,7% - mức cao kỷ lục so với thời đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) nhận định, nền kinh tế của cường quốc này có thể sẽ mất gần một thập niên để phục hồi hoàn toàn. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden nói rằng, với những gì đang diễn ra, nước Mỹ đứng trước một trong những ngã tư đường quan trọng nhất trong lịch sử. Một bức tranh ảm đạm như thế đang cản trở sự so kè giữa ông Trump và ông Biden, ngay cả ở những bang từng được xem là “thành trì” của đảng Cộng hòa.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.