Mỹ trải qua liên tiếp 'thảm kịch'

.

Hơn 100.000 người chết vì Covid-19, thêm 2,12 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, bạo loạn rung chuyển thành phố Minneapolis (bang Minnesota), nước Mỹ đang trải qua liên tiếp “thảm kịch”.

Chính quyền thành phố New York vẫn yêu cầu người dân giữ khoảng cách tại những điểm công cộng khi số ca nhiễm mới và tử vong ở Mỹ tiếp tục gia tăng. Ảnh: Getty Images
Chính quyền thành phố New York vẫn yêu cầu người dân giữ khoảng cách tại những điểm công cộng khi số ca nhiễm mới và tử vong ở Mỹ tiếp tục gia tăng. Ảnh: Getty Images

Hãng AP dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, kinh tế của cường quốc này giảm 5% trong quý 1-2020, thấp hơn ước tính sơ bộ 4,8% được thông báo trong tháng trước. Đây là mức sụt giảm theo quý lớn nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ cuối năm 2008. Không những thế, theo dự báo của các chuyên gia, trong quý 2 - tức thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ, GDP có thể giảm sâu tới 40% và mức suy giảm này là điều tồi tệ nhất mà nền kinh tế số 1 thế giới trải qua.

Thêm 2,12 triệu người thất nghiệp

Ngoài ra, theo Bộ Lao động Mỹ, ít nhất 2,12 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua, nâng tổng số người thất nghiệp kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ vào giữa tháng 3 lên hơn 40,7 triệu người, tương đương 25% lực lượng lao động, mức chưa từng có kể từ Đại suy thoái năm 1930. Riêng ở bang Nevada, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 24,2% lên 28,2%. Đây là hệ quả tất yếu của việc gần 3 tháng đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu để ngăn chặn Covid-19. Ngày 27-5, Boeing thông báo sa thải thêm 12.000 nhân viên trong những tuần tới. Hãng American Airlines cũng có kế hoạch cắt giảm 30% số nhân viên, tương đương 5.000 việc làm.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vốn khẳng định, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm nay hoặc năm 2021 và cử tri nên trao cho ông nhiệm kỳ thứ hai. Chính ông chủ Nhà Trắng cũng lạc quan về việc kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Song, theo AP, chính phủ Mỹ dường như không muốn thu hút sự chú ý của công chúng đối với tác động của đại dịch đến vấn đề kinh tế trước thềm bầu cử tổng thống. Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói rằng, dữ liệu về kinh tế hiện nay không vẽ ra được một bức tranh phục hồi trong tương lai gần, nhất là khi cường quốc hàng đầu thế giới gặp khó khăn về tỷ lệ thất nghiệp, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp.

Theo thăm dò do AP-NORC thực hiện trong tháng 5 này, 49% số người Mỹ được hỏi bày tỏ ủng hộ cách xử lý của Tổng thống Trump đối với kinh tế. Hai tháng trước đó, tỷ lệ này là 56%. Thăm dò cũng cho hay, 70% số người Mỹ gọi trạng thái kinh tế của nước này là “nghèo”, chỉ 29% cho rằng Mỹ có nền kinh tế “tốt”. Hồi tháng 1, có đến 67% đánh giá trạng thái “tốt” của nền kinh tế Mỹ. Ông Andrew Bates, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Joe Biden (đảng Dân chủ) cho rằng, Tổng thống đương nhiệm phải chịu trách nhiệm về thiệt hại kinh tế thảm khốc nhất trong lịch sử Mỹ.

Các nhà quan sát nhận định, nền kinh tế Mỹ sẽ phải mất một khoảng thời gian dài mới có thể phục hồi. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đánh giá rằng, triển vọng phục hồi kinh tế của Mỹ không chắc chắn.
Theo ông Michael Steel, chiến lược gia chính trị của đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump đang đặt cược bằng cách mở cửa nền kinh tế và cuộc bầu cử năm nay sẽ dựa nhiều vào thực tế hơn là những thông điệp. Điều này chưa hẳn là lợi thế của ông Trump vốn dựa vào thông điệp tăng trưởng kinh tế.

Bạo lực làm rung chuyển Minneapolis

TS. Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ lo ngại số ca nhiễm có thể gia tăng khi ngày càng nhiều bang mở cửa trở lại. Nhà phân tích Stephen Collinson của CNN cho rằng, với việc số ca tử vong vượt mốc 100.000 người, nỗ lực ngăn chặn Covid-19 của Mỹ đã thất bại và một trong những nguyên nhân là Tổng thống Trump ngay từ đầu đã không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Trong lúc đại dịch chưa qua, việc vội vã mở cửa trở lại vẫn gây nhiều tranh cãi, bạo lực đã làm rung chuyển thành phố Minneapolis (bang Minnesota) từ ngày 26-5 sau khi cảnh sát da trắng Derek Chauvin dùng đầu gối kẹp cổ người đàn ông da màu George Floyd trong 8 phút. Floyd đã chết sau đó tại bệnh viện. Những người biểu tình xuống đường phản đối phân biệt chủng tộc và yêu cầu thực thi công lý. Thậm chí, họ đốt phá, cướp đồ từ các cửa hàng, đụng độ với lực lượng an ninh. Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Ngày 29-5, Tổng thống Trump cảnh báo, quân đội có thể nổ súng vào những người biểu tình để xử lý tình trạng hỗn loạn. Vụ việc này một lần nữa làm dấy lên làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc và đặt ra thách thức không nhỏ cho chính phủ của ông Trump khi cuộc bầu cử đang cận kề.

Ngày 28-5, Mỹ ghi nhận hơn 21.700 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,7 triệu, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Số ca tử vong mới là 1.174, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 101.600. New York vẫn là bang thiệt hại nặng nề nhất với hơn 366.000 ca nhiễm và 29.500 ca tử vong; tiếp đó lần lượt là các bang New Jersey, Illinois và California.
 

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.