Hàn Quốc: Biến khủng hoảng thành cơ hội

.

Cuộc tổng tuyển cử của Hàn Quốc vào ngày 15-4 cho thấy, bầu cử giữa lúc xảy ra Covid-19 vừa là cơ hội cho những nhà lãnh đạo xử lý tốt khủng hoảng, nhưng cũng vừa đối mặt với nhiều thách thức về nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không thực hiện tốt các khuyến cáo y tế, trong đó có việc giãn cách xã hội.

Cử tri thực hiện quy định giãn cách xã hội khi tham gia bỏ phiếu ở thủ đô Seoul. Ảnh: Yonhap
Cử tri thực hiện quy định giãn cách xã hội khi tham gia bỏ phiếu ở thủ đô Seoul. Ảnh: Yonhap

Theo hãng tin Bloomberg, việc Hàn Quốc tổ chức cuộc bầu cử lớn nhất của nước này kể từ khi dịch bệnh lan rộng toàn cầu sẽ là hình mẫu để các nhà lãnh đạo thế giới có cách làm tương tự.

Tổng thống thời khủng hoảng

Các thăm dò cho thấy, đảng Dân chủ (DP) của Tổng thống Moon Jae-in sẽ chiến thắng sau khi uy tín của đảng này gia tăng nhờ xử lý tốt khủng hoảng dịch bệnh. Thăm dò do tổ chức Realmeter thực hiện cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in tăng lên 54,4%, mức cao nhất từ đầu năm tới nay và ông trở thành “Tổng thống thời khủng hoảng”. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong tháng 4 này ở mức thấp nhất tính từ tháng 2 đến nay. Hồi cuối tháng 2, mỗi ngày Hàn Quốc ghi nhận thêm hơn 900 ca nhiễm, nhưng đến ngày 14-4 và 15-4 mỗi ngày chỉ có dưới 30 ca nhiễm.

DP đặt mục tiêu giành được ít nhất 147/300 ghế trong Quốc hội. Chiến thắng của đảng cầm quyền sẽ mang lại nhiều lợi ích chính trị, là cơ hội để Tổng thống Moon Jae-in tìm kiếm lại sự ủng hộ sau khi để xảy ra tình trạng ảm đạm về kinh tế, bê bối tham nhũng liên quan đến các trợ lý của ông… Các nhà lãnh đạo Singapore và Nhật Bản đang cân nhắc việc kêu gọi bầu cử có thể nhìn vào sự kiện quan trọng này của Hàn Quốc để đưa ra quyết định phù hợp. Trong khi đó, ở Mỹ, một số bang đã hoãn cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ; Pháp ngừng một số cuộc bầu cử địa phương; còn Ba Lan dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 10-5 tới qua đường bưu điện.

Ông Miha Hribernik, chuyên gia phân tích về khủng hoảng châu Á tại công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft nhận định, bầu cử ở Hàn Quốc minh chứng với thế giới rằng, việc tổ chức bỏ phiếu trong lúc xảy ra đại dịch mang lại cơ hội cho các nhà lãnh đạo xử lý tốt khủng hoảng. Cử tri có thể bỏ qua những sai lầm trước đó và ủng hộ các nhà lãnh đạo có phản ứng đúng đắn với đại dịch. Vấn đề được cử tri quan tâm hàng đầu là biện pháp ứng phó với dịch bệnh có hiệu quả hay không, hơn là phát triển kinh tế hay an ninh quốc gia.

Thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội

Theo ông Hribernik, Hàn Quốc là trường hợp ngoại lệ, bởi hầu hết các nước đã phản ứng sai ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh và nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang đối mặt với nguy cơ “mất điểm” trong các cuộc thăm dò dư luận. Trong khi đó, phản ứng ban đầu của chính phủ Hàn Quốc dù bị chỉ trích là chậm chạp, nhưng ngay sau đó ông Moon Jae-in đã nhanh chóng có những hành động “đảo chiều”. Hàn Quốc đóng cửa các trường học, kêu gọi người dân hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội, nhưng không phong tỏa cả nước. Thay vào đó, các nhà chức trách tập trung vào chương trình kiểm tra, kiểm dịch tích cực trên diện rộng. Vì vậy, dù từng là tâm dịch lớn nhất thế giới (chỉ sau Trung Quốc đại lục), nhưng hiện Hàn Quốc có hơn 10.500 ca nhiễm và chỉ 222 ca tử vong, thấp hơn rất nhiều so với châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, một thách thức đặt ra trong bầu cử là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc đã đưa ra các khuyến cáo: tất cả những người có mặt tại các điểm bỏ phiếu đều phải đeo khẩu trang, găng tay; giữ khoảng cách tối thiểu 1m và được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào bỏ phiếu; ai có dấu hiệu bị sốt sẽ được đưa sang phòng bỏ phiếu riêng. Chính phủ cũng đưa ra quy trình bỏ phiếu cho công dân đang phải tự cách ly tại nhà. Song, theo AP, nhiều người dân tỏ ra không hài lòng khi bị buộc phải mang khẩu trang, găng tay và đo thân nhiệt.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun kêu gọi toàn thể người dân nỗ lực để bảo đảm cuộc bầu cử công bằng và an toàn. “Thật tự hào khi chúng ta tổ chức bầu cử theo đúng kế hoạch dù đang xảy ra Covid-19 và chúng ta vẫn bảo đảm quyền bầu cử cho những người được xác định nhiễm bệnh, hay những người đang phải cách ly”, ông Chung Sye-kyun nói. Với những cách làm và thông điệp nói trên, chính phủ Hàn Quốc đang biến khủng hoảng thành cơ hội và DP đang nắm giữ cơ hội rất lớn trong cuộc tổng tuyển cử lần này.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.