Châu Âu không còn thờ ơ với Covid-19

.

Châu Âu đang tê liệt vì trở thành tâm dịch của Covid-19 với 52.400 ca mắc bệnh và 2.297 ca tử vong. “Lục địa già” giờ đây không thể bình chân được nữa mà khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt.

Quảng trường Duomo ở thành phố Milan (Ý) không còn đông đúc như trước nữa. Chính phủ Ý đang áp đặt lệnh phong tỏa cả nước nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. 				Ảnh: Reuters
Quảng trường Duomo ở thành phố Milan (Ý) không còn đông đúc như trước nữa. Chính phủ Ý đang áp đặt lệnh phong tỏa cả nước nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Ảnh: Reuters

Hãng CNN cho biết, một số nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp vào ngày 16-3 để bàn thảo về đại dịch Covid-19. Theo Điện Élysée, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong lúc 6 quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất. Ngoài Ý, Pháp và Đức đều là những ổ dịch lớn.

Ý hiện có hơn 24.000 ca nhiễm và 1.809 ca tử vong. Chỉ trong 24 giờ, Ý có thêm 368 ca nhiễm, đánh dấu số ca nhiễm gia tăng kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Theo hãng Reuters, điều này làm dấy lên quan ngại về hệ thống y tế của Ý gặp áp lực lớn trong việc xử trí các ca bệnh.

Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cảnh báo, thiệt hại từ Covid-19 sẽ “nghiêm trọng và lan rộng”. Nhà lãnh đạo này cho rằng, cần có một “kế hoạch tái thiết thực sự”. Sau khi hết dịch, chúng ta sẽ phải ngồi lại để đề ra các quy định về thương mại và thị trường tự do”, ông Conte nói.

Tuần trước, Ý áp đặt lệnh phong tỏa cả nước; đóng cửa trường học, cửa hàng; ngừng các hoạt động thể thao và yêu cầu người dân ở nhà. Thủ tướng Conte cho biết, sẽ không có lệnh cấm bổ sung nhưng điều quan trọng là cần tôn trọng những quy định hiện có.

Các nước khác như Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan cũng áp đặt lệnh cấm tương tự. Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, đường phố vốn đông đúc vào tất cả các giờ trong ngày nhưng trở nên vắng vẻ vào cuối tuần qua và ngày 16-3. Các bộ trưởng Tây Ban Nha nói rằng, tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài quá 15 ngày và chính phủ đang xem xét việc đóng cửa các biên giới. Kể từ tối 14-3, tổng cộng 47 triệu dân Tây Ban Nha được khuyến cáo ở nhà, trừ những trường hợp đi làm việc, đến hiệu thuốc hoặc bệnh viện.
Tây Ban Nha là vùng tâm dịch lớn thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc đại lục, Ý, Iran và Hàn Quốc. Quốc gia châu Âu này có hơn 7.800 ca mắc Covid-19 và 292 ca tử vong.

Phát biểu với đài France Inter ngày 16-3, người đứng đầu cơ quan y tế công cộng Pháp, ông Jerome Salomon cho rằng tình hình dịch bệnh tại đây đang “rất đáng lo ngại” và “xấu đi rất nhanh”. “Nhiều người không hiểu vì sao họ cần ở nhà và số ít người tuân thủ quy định có nghĩa là chúng ta không thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh”, ông Salomon nói. Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, bar, rạp phim kể từ ngày 15-3. Các quan chức cũng thúc giục người dân Pháp giảm thiểu việc đi lại. Theo thống kê ngày 15-3 (giờ Paris), Pháp có hơn 5.400 ca mắc Covid-19 và 127 ca tử vong. Trong 24 giờ, nước này có thêm 900 ca nhiễm và 36 ca tử vong.

Đức là quốc gia EU mới nhất đóng cửa biên giới từ 8 giờ ngày 16-3 đối với những người đến từ Pháp, Áo và Thụy Sĩ. Các trường học ở 16 bang của Đức đã đóng cửa; đa số các bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều cũng trong tình trạng tương tự.

Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Soder nói rằng sẽ ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền nam lớn nhất nước Đức trong vòng 14 ngày. Theo đó, các nhà chức trách có thể huy động các cơ sở và máy móc y tế cho việc điều trị bệnh nhân.

Nước Anh cũng chuẩn bị cấm tụ tập đông người và cách ly những người trên 70 tuổi trong 4 tháng. Trong khi đó, chính phủ Hà Lan ra lệnh đóng cửa tất cả trường học, bar, nhà hàng và một số địa điểm giải trí. Cộng hòa Czech cấm người dân đi lại trên phố từ nửa đêm 15-3 đến ngày 24-3, trừ đi làm việc, mua sắm và một số hoạt động khác. Chính phủ Czech còn tuyên bố tạm cấm nhập cảnh với người nước ngoài, công dân nước này cũng không được phép xuất cảnh từ ngày 16-3.

Áo cấm tụ tập hơn 5 người, hạn chế đi lại tại những nơi công cộng từ ngày 16-3. Ngoài ra, Áo mở rộng danh sách hạn chế nhập cảnh đối với Anh, Hà Lan, Nga và Ukraine. Bất kỳ ai đến từ những quốc gia này chỉ được nhập cảnh Áo sau khi tự cách ly 2 tuần hoặc có giấy chứng nhận sức khỏe.  

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.