Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở Trung Quốc: Nhiều tranh cãi

.

Việc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bất ngờ thay đổi cách thức thống kê số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) khiến con số tăng vọt. Sự thay đổi này làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Người dân xếp hàng mua khẩu trang tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Người dân xếp hàng mua khẩu trang tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Ngày 13-2, thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho thấy số người chết và nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Tỉnh Hồ Bắc công bố có thêm 242 ca tử vong và 14.840 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 12-2. Tổng số ca nhiễm của Trung Quốc đại lục lên đến 59.804, tăng thêm 15.152 ca so với một ngày trước đó; số người tử vong là 1.367; tổng cộng hơn 5.900 bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện.

Ủy ban Y tế Hồ Bắc lý giải, cơ quan này thay đổi cách thống kê, tính gộp số người mới được chẩn đoán lâm sàng và số người được xác định nhiễm mới, thay vì chỉ có các trường hợp dương tính được đưa vào thống kê như trước đây. Điều này có nghĩa là bất kỳ ca nghi nhiễm nào ở tỉnh Hồ Bắc cũng sẽ được xem là một trường hợp mắc bệnh.

Điều đáng nói là chỉ vài giờ trước tuyên bố của tỉnh Hồ Bắc, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng số ca nhiễm mới đã tăng chậm lại. WHO ca ngợi cách xử trí của Trung Quốc đối với dịch bệnh, nhưng chính người dân quốc gia châu Á này đang hoài nghi về cách ứng phó của các nhà chức trách, nhất là sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng - một bệnh nhân Covid-19.

Các quan chức ở tỉnh Hồ Bắc bị cáo buộc đã che giấu thông tin khi dịch bùng phát hồi cuối tháng 12-2019 và đầu tháng 1-2020. Trong ngày 13-2, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương đã bị bãi nhiệm. Người được chỉ định thay thế là ông Ứng Dũng, Thị trưởng Thượng Hải. Bí thư Thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường cũng bị cách thức và người thay thế là ông Vương Trung Lâm, Bí thư Thành ủy Tế Nam, thuộc tỉnh Sơn Đông.

Trước đó, 2 quan hàng đầu về y tế của tỉnh Hồ Bắc đã bị cách chức. Năm 2003, khi đối phó với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), trước các cáo buộc các chính quyền địa phương đã che giấu thông tin, chính phủ Trung Quốc “mạnh tay” sa thải hơn 100 quan chức, trong đó có Bộ trưởng Y tế và Thị trưởng Bắc Kinh.

Hãng AFP dẫn lời người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Mi Feng cho rằng, việc thay đổi cách thống kê của tỉnh Hồ Bắc sẽ giúp bệnh nhân được điều trị và gia tăng cơ hội phục hồi. Song, cách thức thống kê vẫn không thay đổi ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào khác, ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc. Hãng Tân Hoa xã và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ca ngợi cách tính mới của tỉnh Hồ Bắc, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh.

Theo các nhà phân tích, cách tính mới có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn về các trường hợp mắc Covid-19 thông qua kết hợp nhiều yếu tố như: hình ảnh chụp CT phổi, tình trạng lâm sàng và lịch sử dịch tễ học. Hơn nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng muốn các quan chức minh bạch thông tin hơn.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc Yun Jiang nhận định, cách tính toán mới có thể là “biện pháp thực tế” bởi tỉnh Hồ Bắc đang thiếu dụng cụ xét nghiệm. Ông Tong Zhaohui, chuyên gia trong nhóm chỉ đạo chống dịch ở tỉnh Hồ Bắc cho hay, việc thay đổi như thế phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán mới nhất của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc về sử dụng kết quả chụp CT và các kết quả xét nghiệm khác.

“Việc cho phép các ca chẩn đoán lâm sàng để xác định người nhiễm bệnh sẽ mang lại một công cụ nữa trong công tác đối phó dịch”, ông Tong Zhaohui nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cảm thấy mơ hồ. GS. Sam Crane tại Đại học Williams (bang Massachusetts, Mỹ) bày tỏ: “Không rõ liệu vấn đề này là sự thiếu minh bạch hay đơn giản là hoạt động y tế còn kém”. Ông Peter Rabinowitz tại Đại học Washington (Mỹ) cho rằng, thay đổi tiêu chuẩn trong chẩn đoán có thể làm việc theo dõi dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên do Covid-19

Tối 13-2, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 ở nước này là một phụ nữ Nhật 80 tuổi, sống ở tỉnh Kanagawa. Bệnh nhân này không có mặt trên du thuyền Diamond Princess hiện bị cách ly ở cảng Yokohama, gần Tokyo.

Theo Reuters, có thêm 44 ca dương tính với Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 218 người và tổng số ca ở Nhật Bản là 247.

Cũng trong ngày 13-2, các Bộ trưởng Y tế của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) họp khẩn tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo về cách ngăn chặn Covid-19 không lây lan khắp châu lục này. Hãng AP cho biết, hiện chưa có trường hợp tử vong nào ở châu Âu, nhưng các nhà chức trách EU khẳng định cần có sự phối hợp hành động để giữ số ca mắc bệnh ở mức thấp. Châu Âu đến nay đã đưa khoảng 500 công dân đã sống ở Trung Quốc trở về.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.