Hậu Brexit, ngân sách EU gặp khó

.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại ở Brussels (Bỉ) vào ngày 20-2 để bàn về ngân sách 7 năm tới của khối sau khi Anh rời “mái nhà chung” và để lại lỗ hổng 75 tỷ euro.

Các nhà lãnh đạo châu Âu phải tìm sự đồng thuận từ 27 quốc gia thành viên EU để tăng ngân sách cho khối.  Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo châu Âu phải tìm sự đồng thuận từ 27 quốc gia thành viên EU để tăng ngân sách cho khối. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, ngân sách hiện tại của EU bắt đầu từ năm 2014, hết hạn vào tháng 12-2020. Ngân sách của EU được sử dụng cho nhiều mục đích, từ giao thông, chính sách năng lượng đến chương trình vũ trụ, nhập cư, kiểm soát biên giới, an ninh, hỗ trợ nông nghiệp…

Từ ngày 1-1-2021, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit, Anh không còn đóng góp ngân sách cho EU nữa, để lại khoảng trống 75 tỷ euro (81 tỷ USD) giai đoạn 2021-2027. Anh đóng góp ngân sách nhiều thứ hai cho EU, sau Đức. Vắng Anh, 27 thành viên còn lại sẽ phải tăng phần đóng góp để lấp lỗ hổng ngân sách mà xứ sở sương mù để lại.

Ủy ban châu Âu đề xuất tăng đóng góp của các nước thành viên lên tương đương 1,1% GDP của mỗi nước để đạt mục tiêu 1.130 tỷ euro, nhưng một số quốc gia thành viên chỉ đồng ý mức 1% GDP, còn Nghị viện châu Âu muốn con số này là 1,3% GDP. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh tại Brussels lần này diễn ra trong lúc các nước có quan điểm khác biệt về mức đóng góp ngân sách, các nước giàu không muốn rót thêm tiền, các nước nghèo hơn cũng không muốn tăng chi phí, còn các nước khác muốn quỹ phình ra để phục vụ cho những tham vọng toàn cầu và cả thách thức do biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, những dự án mới như Thỏa thuận Xanh (Green Deal) cũng cần được rót chi phí nhằm đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu cân bằng phát thải carbon vào năm 2050.

Trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ở thủ đô Berlin (Đức) trước khi lên đường đến Brussels, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự đoán các cuộc đàm phán về ngân sách sẽ “rất gian nan và khó khăn”. Hãng AFP dẫn lời bà Merkel nói: “Ngay cả khi chúng ta giữ cùng mức đóng góp, tức 1% GDP, thì Đức sẽ trả 10 tỷ euro mỗi năm (1,07% GDP) để bù đắp cho lạm phát và Brexit”. Theo đó, mức 1,07% GDP là quá lớn với Đức dù Berlin là nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Bà Merkel muốn gánh nặng này được chia đều cho các nước “đóng góp ròng” thay vì dồn cho Đức.

Đức, Phần Lan và cả Áo, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển đều “đóng góp ròng” cho ngân sách EU, nghĩa là số tiền bỏ ra nhiều hơn những gì họ thu lại. Các nước này chỉ muốn đóng góp 1% GDP, nhưng các nước Đông Âu vốn hưởng lợi lớn từ sự hỗ trợ nông nghiệp yêu cầu khoản trợ cấp lớn hơn nữa. Áo, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển khẳng định đầy hàm ý trên tờ Financial Times: “Dưới ánh sáng của Brexit, chúng tôi đơn giản phải cắt chiếc áo theo tấm vải của chúng tôi”. Trong khi đó, Pháp muốn tận dụng Brexit để chấm dứt tình trạng đóng góp “thấp” của các quốc gia giàu có.

Nhà phân tích Marta Pilati tại Trung tâm Chính sách châu Âu nhận định, EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần này. “Tất cả các thành viên đều không thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp”, nhà phân tích này nói. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng viết trên báo Financial Times: “Các chi phí liên quan Brexit và những thách thức khác nên được phân bổ công bằng hơn”.

“Cuộc chiến” xung quanh vấn đề ngân sách EU sẽ xoay quanh những con số: 1%; 1,1% hay 1,3%. Các nước tranh cãi để tăng hoặc giảm từng điểm phần trăm và “cuộc chiến” này còn kéo dài trong một vài tháng tới, “rất gian nan và khó khăn” như vấn đề Brexit từng phủ bóng lên các chương trình nghị sự của EU trong 4 năm qua. “Việc đạt được thỏa thuận sẽ là một thách thức lớn”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.