Nga "dọn đường" cho thượng đỉnh Normandy

.

Việc Nga trao trả cho Ukraine 3 tàu hải quân mà Moscow bắt giữ hồi tháng 11 năm ngoái nhằm giảm căng thẳng với Kiev và “dọn đường” cho hội nghị thượng đỉnh 4 bên theo định dạng Normandy.

Các tàu của Ukraine bị Nga bắt giữ hồi tháng 11-2018 và được trao trả vào ngày 18-11-2019.  Ảnh: AFP
Các tàu của Ukraine bị Nga bắt giữ hồi tháng 11-2018 và được trao trả vào ngày 18-11-2019. Ảnh: AFP

Theo hãng AFP, 3 tàu được Nga trao trả vào ngày 18-11 bao gồm: Berdyansk, Nikopol và Yana Kapu của hải quân Ukraine. Các quan chức Kiev không cho biết khi nào các tàu về đến nước này, nhưng các nhà phân tích dự đoán các tàu sẽ cập cảng Ukraine vào sáng nay (20-11). Đây là động thái mới nhất nhằm giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine trước thềm hội nghị thượng đỉnh 4 bên theo định dạng Normandy (với sự tham gia của Nga, Ukraine và hai nước trung gian là Pháp và Đức), dự kiến diễn ra vào ngày 9-12 tới tại thủ đô Paris (Pháp).  

Các tàu nói trên cùng 24 thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ gần eo biển Kerch vào tháng 11-2018 với cáo buộc “xâm phạm lãnh hải và có hành động nguy hiểm”. Ukraine yêu cầu Nga thả tàu và các thủy thủ ngay lập tức, đồng thời chỉ trích Moscow vi phạm hiệp ước bảo đảm cho các tàu Ukraine tự do đi qua eo biển Kerch, nối liền Biển Đen với biển Azov. Song, đến tháng 9-2019, Nga mới phóng thích 24 thủy thủ, xem đây là một phần trong thỏa thuận trao đổi tù nhân với chính phủ Kiev và xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương, tiến tới giải quyết khủng hoảng kéo dài từ năm 2014 đến nay ở đông Ukraine.
Trong lần trao đổi tù nhân hồi tháng 9, Nga và Ukraine đã trao đổi tổng cộng 70 người. Đến cuối tháng 10, quân đội Ukraine và các lực lượng ly khai rút quân cũng như khí tài khỏi khu vực tiền tuyến chủ chốt Zolote-4 ở đông Ukraine. Giới quan sát gọi đây là “bước tiến lớn” trước thềm hội nghị thượng đỉnh Normandy.

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine căng thẳng từ năm 2014, khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. Khi khủng hoảng ở đông Ukraine bùng phát với các cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ với quân ly khai, giới chức Kiev cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở khu vực này.

Tuy nhiên, việc ông Volodymyr Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine vào tháng 4-2019 mở ra hy vọng cải thiện quan hệ với Nga. Tân Tổng thống Zelensky khẳng định, kết thúc chiến tranh ở đông Ukraine, vốn đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, là ưu tiên hàng đầu của ông. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xem việc cải thiện quan hệ với Kev là điều tất yếu.

Ngày 15-11-2019, Pháp tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Normany về tình hình Ukraine vào ngày 9-12 ở Paris. Pháp hoan nghênh động thái “thiện chí” của Nga trong việc trao trả tàu, cho rằng bước đi này sẽ thúc đẩy niềm tin vào đối thoại giữa Moscow và Kiev. Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh Normandy sẽ khẳng định “sự bất khả xâm phạm và không thể thay thế” đối với các thỏa thuận hòa bình trước đó, trong đó có thỏa thuận Minsk. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dự kiến đến Kiev vào ngày 19-11 (giờ địa phương) để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh. Tại thủ đô Berlin, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nói rằng, đây là lần đầu tiên có “một số chuyển động” trong xung đột ở đông Ukraine.

Thượng đỉnh Normandy với sự tham gia của 4 nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp và Đức từng diễn ra ở Berlin năm 2016. Lúc đó, Tổng thống Ukraine là ông Petro Poroshenko cùng các nước muốn thực thi thỏa thuận Minsk, vốn được các bên liên quan ký kết vào tháng 12-2015 quy định việc ngừng bắn; rút toàn bộ vũ khí hạng nặng khỏi đông Ukraine; chính phủ Kiev thông qua sắc lệnh về quyền tự trị của Lugansk và Donetsk, đồng thời ân xá tù binh của lực lượng ly khai; bảo đảm công tác cứu trợ nhân đạo tại những khu vực bị ảnh hưởng chiến sự… Tuy nhiên, với những tuyên bố bất nhất, thỏa thuận Minsk chưa thể giúp chấm dứt bạo lực cũng như chưa thể thúc đẩy một giải pháp chính trị ở đông Ukraine.
Đến lúc này, những rào cản cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức cùng thảo luận về giải pháp cho đông Ukraine đã được gỡ bỏ. Chỉ còn chờ thiện chí thực sự giữa các bên để mang lại hòa bình cho vùng Donbass vốn nhiều năm chìm trong chiến sự.  

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.