Mỹ thúc đẩy chiến lược "xoay trục" sang châu Á

.

Mới nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần 4 tháng, nhưng ông Mark Esper đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương hai lần. Trong chuyến đi lần thứ hai này, ông dừng chân lần lượt ở Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo khi đến Seoul ngày 9-8-2019. Lúc đó, ông Esper công du châu Á lần đầu tiên sau khi nhậm chức.  Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo khi đến Seoul ngày 9-8-2019. Lúc đó, ông Esper công du châu Á lần đầu tiên sau khi nhậm chức. Ảnh: Getty Images

Chuyến công du châu Á từ ngày 13-11 của Bộ trưởng Mark Esper cho thấy vấn đề trung tâm trong chiến lược quốc phòng của Mỹ đã được điều chỉnh: thay vì mắc mứu mãi với cuộc chiến kéo dài chống lại các tổ chức cực đoan, Washington muốn tập trung trước hết vào việc ứng phó với Trung Quốc như một nguy cơ đe dọa ưu thế vượt trội toàn cầu của Mỹ. Tại Thái Lan, ông Esper sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN +; gặp gỡ những người đồng cấp thuộc ASEAN và Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga.

Nhưng trước khi đến Thái Lan, ông Esper có mặt ở Hàn Quốc vào ngày 14-11 để thảo luận các vấn đề an ninh khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và việc Mỹ sẵn sàng thay đổi các hoạt động quân sự với Seoul nếu điều đó có thể thúc đẩy thỏa thuận ngoại giao với Bình Nhưỡng. Ông Esper khẳng định, Mỹ sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đàm phán làm việc với Triều Tiên và các đối tác Hàn Quốc nhằm giải quyết các vấn đề trên bàn đàm phán.

Ông Esper cũng muốn hàn gắn liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sau những căng thẳng trong thời gian gần đây; đồng thời mang theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về việc Hàn Quốc trả 5 tỷ USD chi phí duy trì sự hiện diện quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, gấp 5 lần so với chi phí hiện tại. Trao đổi với báo chí trên máy bay đến Hàn Quốc, Bộ trưởng Esper nói rằng sẽ thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc vượt qua những thử thách, hợp tác với nhau để ngăn chặn “hành vi xấu” của Triều Tiên, về lâu dài là đối phó với Trung Quốc.

Song, ông Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation cho rằng, cách tiếp cận tổng thể của Mỹ khiến một số đồng minh châu Á băn khoăn không biết có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của cường quốc hàng đầu thế giới bao lâu nữa. “Một số người trong quân đội Hàn Quốc thường gọi Mỹ là một đồng minh mong manh”, ông Bennett nói. Trong quan điểm của họ, “Mỹ có thể đưa ra cam kết và sau đó rút bỏ”. Tổng thống Trump đã liên tục đe dọa khả năng rút lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước và lặp lại quan điểm yêu cầu Seoul trả tiền nhiều hơn cho sự hiện diện của binh sĩ Mỹ.

Giới quan chức Lầu Năm Góc hiểu rõ, khi họ công bố chiến lược quốc phòng mới tập trung vào Trung Quốc và Nga hồi tháng 1-2018, Trung Đông vẫn đáng lo ngại. Thực tế, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ vẫn có tâm thế sẵn sàng để đối mặt với các vấn đề ở Trung Đông ngay cả khi họ tập trung cho châu Á.

Thực tế, tinh thần và chủ trương “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ được công bố từ năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên sau đó, với sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và việc Mỹ đưa quân trở lại chiến đấu tại Trung Đông, đầu tiên là ở Iraq và sau đó là Syria, khiến tiến trình “xoay trục” có vẻ như chậm lại. Nếu nhìn vào những động thái điều động quân đội mới nhất của Mỹ, giới quan sát cho rằng, tiến trình “xoay trục” khó có thể nhanh hơn trong ngày một ngày hai mặc dù được chính phủ của Tổng thống Trump ra sức thúc đẩy.

Trong chuyến đi châu Á hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Esper đã đến Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Phát ngôn gây chú ý nhất của ông trong chuyến công du châu Á lúc đó là ông hy vọng sẽ triển khai các tên lửa tầm trung đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương “càng sớm càng tốt” và Washington cần nhiều căn cứ hơn ở khu vực này để đối phó “những tiến bộ công nghệ quan trọng” của Trung Quốc. Song, một số nhà phân tích cũng hoài nghi về khả năng Mỹ sẽ thực hiện đúng các cam kết về bảo vệ an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, nhất là nhân sự ở Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao có thể thay đổi nếu ông Trump tái đắc cử vào năm 2020.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.