Quốc tế

Vụ rò rỉ điện tín ngoại giao: Chính trường Anh chia rẽ

10:08, 12/07/2019 (GMT+7)

Hai ứng cử viên cạnh tranh chức Thủ tướng Anh có quan điểm khác nhau về “sự cố” rò rỉ điện tín ngoại giao khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận. Chưa rõ mối quan hệ Mỹ - Anh bị tổn hại ra sao, nhưng chính trường Anh đang chia rẽ chung quanh vụ việc này.

Ông Boris Johnson (trái) lúc làm Ngoại trưởng Anh và Đại sứ Kim Darroch tham dự một cuộc họp ở Quốc hội Mỹ vào tháng 11-2017. 				    Ảnh: EPA
Ông Boris Johnson (trái) lúc làm Ngoại trưởng Anh và Đại sứ Kim Darroch tham dự một cuộc họp ở Quốc hội Mỹ vào tháng 11-2017. Ảnh: EPA

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, ứng cử viên sáng giá nhất thay thế bà Theresa May làm Thủ tướng, kịch liệt chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Anh Kim Darroch sau khi nhà ngoại giao này đánh giá thấp năng lực của Tổng thống Donald Trump và chính phủ Washington, đồng thời dự báo tiêu cực về sự nghiệp của ông chủ Nhà Trắng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt - đối thủ của ông Boris Johnson cho rằng, các chính trị gia Anh cần bảo vệ các nhà ngoại giao của xứ sở sương mù khi họ hứng chịu những chỉ trích từ chính phủ nước sở tại và việc Đại sứ Darroch viết các bức điện tín là công việc của ông này, thể hiện quan điểm cá nhân chứ không phải quan điểm của chính phủ Anh. “Các đồng minh cần ứng xử tôn trọng lẫn nhau”, ông Hunt nói.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Hunt cáo buộc Tổng thống Mỹ hành xử “thiếu tôn trọng và sai lầm”, còn ông Johnson lại nhận định nhà lãnh đạo Mỹ bỗng dưng “bị kéo vào” cuộc tranh luận chính trị ở Anh.

Bức điện tín ngoại giao “nói xấu” Tổng thống Trump bị rò rỉ làm dấy lên những tranh cãi ở Anh với hai quan điểm: một bên chỉ trích ông Darroch và một bên bảo vệ ông. Các chính trị gia có quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson cho rằng, việc “nói xấu” như vậy ảnh hưởng đến mối quan hệ đồng minh đặc biệt giữa Anh và Mỹ, hơn nữa cũng sẽ gây bất lợi cho việc triển khai các thỏa thuận thương mại giữa hai nước thời hậu Brexit.

Song, nhiều chính trị gia khác ở Anh chỉ trích ông Johnson và bảo vệ ông Darroch. Theo cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Michael Fallon, ông Darroch đang phụng sự tốt đất nước và công việc của đại sứ là nêu cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của chính phủ nước ngoài. Với ông Hunt, việc đại sứ gửi báo cáo về tình hình nước sở tại là điều rất đỗi bình thường. Cựu Thủ tướng Anh John Major cũng ủng hộ và cho rằng ông Darroch không nên từ chức.

Đáng nói là vụ rò rỉ dẫn đến căng thẳng xuyên Đại Tây Dương khi Tổng thống Trump phản ứng tức giận, tuyên bố cắt đứt liên lạc với Đại sứ Darroch và chỉ trích Thủ tướng sắp mãn nhiệm Theresa May chung quanh vấn đề Brexit. Hai năm qua, mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ trở nên căng thẳng vì hàng loạt vấn đề như: chương trình hạt nhân của Iran, kế hoạch sử dụng công nghệ 5G của tập đoàn Huawei, chính sách biến đổi khí hậu…

Nay chính phủ Anh càng thêm bối rối và ai làm Thủ tướng mới - ông Johnson hay ông Hunt - đều phải “đau đầu” xử trí vụ tranh cãi ngoại giao lớn này. Ngoại trưởng Hunt vẫn muốn giữ ông Darroch trong vai trò đại diện ngoại giao cho đến khi hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2020.

“Việc chọn đại sứ là vấn đề của chính phủ Anh và Thủ tướng Anh. Nếu tôi là Thủ tướng mới, đại sứ ở Washington vẫn tại nhiệm”, ông Hunt khẳng định. Song, ông Johnson cho rằng, ai làm rò rỉ thông tin mật thì phải bị sa thải. “Tôi và chỉ mình tôi sẽ quyết định ai đảm nhiệm những công việc nhạy cảm như Đại sứ tại Mỹ”, ứng cử viên hàng đầu vị trí Thủ tướng Anh nói.

Ông Darroch làm Đại sứ tại Mỹ từ tháng 1-2016, tức trước khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng. Ông Darroch từng làm Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Thủ tướng Anh David Cameron và là đại diện hàng đầu của London tại Liên minh châu Âu (EU). Trong những lùm xùm như vậy, ông không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò Đại sứ Anh tại Mỹ như mong muốn.

Tuy nhiên, theo AP, vụ rò rỉ và quyết định từ chức của ông Darroch sẽ không thể tạo ra tác động lâu dài đến mối quan hệ Mỹ - Anh và căng thẳng trong lúc này chỉ mang tính tạm thời. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, Washington và London có những lợi ích chung lớn hơn chuyện của một cá nhân nào; hai nước cam kết duy trì mối quan hệ đặc biệt và chia sẻ chương trình toàn cầu. Ông Trump đang công khai ủng hộ ứng viên hàng đầu Johnson, nhưng việc ông Johnson khi tiếp quản nhà số 10 phố Downing có thể thay Đại sứ tại Mỹ sẽ làm chính trường Anh chia rẽ thêm.

PHÚC NGUYÊN

.