Quốc tế

Mỹ ra "đòn kép" cản đường Huawei

09:59, 17/05/2019 (GMT+7)

Sau sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do những công ty tạo ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia sản xuất, Washington đã bổ sung Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào “danh sách đen thương mại”.

Cửa hàng bán lẻ điện thoại di động của Huawei tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. 	 Ảnh: AP
Cửa hàng bán lẻ điện thoại di động của Huawei tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AP

Hai động thái liên tiếp của chính phủ Tổng thống Donald Trump được cho là nhằm cản đường Huawei hoạt động trên lãnh thổ Mỹ, đồng thời đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc chiến thương mại đang rất căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau khi vòng đàm phán thứ 11 không mang lại kết quả.

Phủ bóng triển vọng đàm phán thương mại

Hãng CNN cho biết, sắc lệnh hành pháp được Tổng thống ký vào ngày 15-5, theo đó tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty của cường quốc này sử dụng thiết bị viễn thông do những công ty tạo ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ sản xuất. Washington vốn hoài nghi những thiết bị của Huawei có thể được nhà nước Trung Quốc sử dụng để do thám. Huawei đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc vô căn cứ này.

Với sắc lệnh nói trên, các công ty của Mỹ bị cấm làm ăn với “gã khổng lồ” về công nghệ của Trung Quốc. Sắc lệnh của ông Trump cũng gia tăng áp lực đối với các đồng minh về việc không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G và các mạng khác.

Khi ký sắc lệnh, ông Trump dẫn Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) cho phép Tổng thống Mỹ điều chỉnh hoạt động thương mại để đối phó với tình trạng khẩn cấp đe dọa đất nước. Tuy sắc lệnh chỉ ghi đối tượng là “những công ty tạo ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ” nhưng rõ ràng nhắm vào Huawei. Còn với việc “danh sách đen thương mại” điểm tên Huawei và 70 chi nhánh, các công ty Mỹ sẽ phải xin giấy phép đặc biệt mới có thể bán sản phẩm cho tập đoàn này. Song, chưa rõ thời điểm “danh sách đen thương mại” có hiệu lực.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, lệnh trừng phạt sẽ khiến Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - gặp khó khăn vì một số sản phẩm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ. Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ quyết định của chính phủ Mỹ cũng như bất kỳ quốc gia nào đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt các thực thể của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, Washington cần tránh hủy hoại hơn nữa mối quan hệ song phương, đồng thời nên ngừng sử dụng an ninh quốc gia như cái cớ và tạo môi trường công bằng cho các công ty Trung Quốc đầu tư, làm ăn tại Mỹ.

Phía Huawei bác bỏ việc tập đoàn này tạo ra mối đe dọa an ninh và khẳng định sẵn sàng đàm phán với chính phủ Mỹ. “Hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không làm nước Mỹ an ninh hơn hoặc mạnh hơn, mà cuối cùng chỉ gây tổn hại lợi ích cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ”, tuyên bố của Huawei nêu rõ.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng, ông sẽ đến Trung Quốc để đàm phán thêm về thương mại. Tuy nhiên, triển vọng đàm phán để kết thúc cuộc chiến thương mại đang bị phủ bóng khi Washington liên tiếp có những hành động cứng rắn từ việc tăng thuế đến cản đường Huawei.

Châu Âu tranh cãi

Chiến dịch vận động tẩy chay Huawei đã được Mỹ phát động trên toàn cầu. Một số đồng minh của Mỹ, đáng chú ý là Úc và New Zealand, theo động thái của Tổng thống Trump “quay lưng” với Huawei.

Riêng châu Âu tranh cãi về việc có nên cấm “ông lớn công nghệ” này hay không. Tại Anh, vấn đề Huawei gây căng thẳng trong chính phủ của Thủ tướng Theresa May với vụ rò rỉ thông tin từ cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia hồi đầu tháng này. Bà May đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson bởi cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về rò rỉ thông tin chính phủ Anh dự kiến cho Huawei tiếp cận có giới hạn một số hạng mục của mạng 5G.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Anh bị chỉ trích rằng đã phớt lờ khuyến cáo của Mỹ và Úc về việc chống lại Huawei, gây tổn hại đến mối quan hệ đồng minh lâu đời với Washington. Cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo Anh MI6 Richard Dearlove kêu gọi chính phủ cân nhắc lại quyết định cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G. Ở khía cạnh khác, những người ủng hộ Brexit lại muốn mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc để giúp ích cho Anh sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).

Trước yêu cầu của Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời đài truyền hình Bloomberg rằng, ông không có ý định ngăn chặn Huawei hay bất kỳ công ty nào. “Pháp và châu Âu thực dụng và thực tế. Chúng tôi tin vào sự hợp tác và chủ nghĩa đa phương. Trong lúc này, chúng tôi rất cẩn thận về việc tiếp cận công nghệ tốt và bảo đảm an ninh quốc gia cũng như tất cả những quy tắc an toàn”, ông Macron nói.

Về phía Đức, nước này cũng có kế hoạch thắt chặt những quy định an ninh mạng viễn thông nhưng Thủ tướng Angela Merkel chưa cho biết bà sẽ loại bỏ nhà cung cấp nào bởi muốn trao đổi thêm với các đối tác châu Âu về vấn đề này.

PHÚC NGUYÊN

.