Mỹ - Triều hướng đến cuộc gặp thượng đỉnh

.

Với nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, hai nước đang khẩn trương chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh lần hai, dự kiến diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 27 và 28-2.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều mở ra cơ hội hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.  Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ tại Singapore vào tháng 6-2018. Ảnh: Getty Images
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều mở ra cơ hội hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ tại Singapore vào tháng 6-2018. Ảnh: Getty Images

Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã thành lập Nhóm đặc biệt về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Từ ngày 17-2, hai nước tiếp tục đàm phán nhằm chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, trong đó tập trung về lộ trình phi hạt nhân hóa. Theo báo Dong-a Ilbo (Hàn Quốc), trong các cuộc làm việc của Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tuần trước, hai bên có thể đã nhất trí đưa tuyên bố kết thúc chiến tranh và báo cáo sơ bộ về tổ hợp hạt nhân Yongbyon vào tuyên bố chung mà Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến thông qua trong lần gặp gỡ sắp tới.

Sau khi kết thúc vòng đàm phán đầu tiên chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh lần hai, các cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 11-2 kêu gọi Mỹ có “hành động thực tế tương ứng” nhằm đáp lại các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Bất đồng giữa hai nước sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore vào tháng 6-2018 vẫn là Triều Tiên sẵn sàng thực hiện các cam kết theo thỏa thuận Mỹ - Triều, chẳng hạn như xóa bỏ cơ sở thử hạt nhân, nhưng muốn Washington phải có động thái đáp lại như nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định, trước hết Bình Nhưỡng cần có những bước đi cụ thể hơn trong việc phi hạt nhân hóa.

Hãng tin AP cho biết, tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100km về phía bắc, có các cơ sở sản xuất plutonium và uranium - hai thành phần chính trong vũ khí hạt nhân. Sau cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 9-2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với báo giới rằng, ông Kim cam kết dỡ bỏ tổ hợp này nếu Mỹ có các bước đi cụ thể tương xứng. Khi đến Bình Nhưỡng mới đây, Đặc phái viên Biegun cũng xác nhận, ông Kim cam kết sẽ giải giáp hạt nhân, phá hủy các cơ sở làm giàu plutonium và uranium.

Kể từ năm ngoái, Triều Tiên đã thể hiện thiện chí bằng việc ngừng thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời dỡ bỏ một bãi thử hạt nhân và cơ sở phóng tên lửa tầm xa. Song, việc phá hủy tổ hợp Yonbgyon sẽ là bước giải trừ vũ khí lớn nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của ông trong việc thúc đẩy đàm phán với Tổng thống Trump.

Để Triều Tiên thực hiện cam kết phá hủy Yonbgyon, một số chuyên gia cho rằng, ông chủ Nhà Trắng phải có những nhượng bộ quan trọng, chẳng hạn: tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953; mở văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng; cho phép Triều Tiên tái khởi động một số dự án kinh tế với Hàn Quốc và có thể dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên này. Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hợp tác Hòa bình Đông Bắc Á ở Hàn Quốc Chon Hyun-joon nhận định, với Triều Tiên, việc ngừng tổ hợp Yongbyon là “sự mặc cả khá lớn” vì Bình Nhưỡng muốn có một số lợi ích kinh tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ông Kim Jong-un và Tổng thống Trump thống nhất thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước, xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hai ông không đưa ra cách thức theo đuổi những mục tiêu này và các vấn đề vướng mắc có thể sẽ được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh lần hai. Theo AP, một thỏa thuận lớn hơn được thông qua tại Hà Nội có thể đề cập nhiều vấn đề mà Tổng thống Trump muốn từ phía Triều Tiên, chứ không chỉ là vấn đề Yongbyon.

Hãng Yonhap cho biết, trong cuộc gặp đội ngũ thư ký và phụ tá vào ngày 11-2 ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là cơ hội để hai miền Triều Tiên thúc đẩy quan hệ; đồng thời bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ trở thành bước ngoặt quan trọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên và kiến tạo hòa bình. “Điều quan trọng hơn đối với chúng ta là hội nghị này sẽ là cơ hội quyết định giúp cải thiện mối quan hệ liên Triều. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào hòa bình ổn định”, Tổng thống Moon Jae-in nói.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.