.

Chiến dịch tranh cử 140 ký tự của bà Hillary

.

Từ thời điểm chính thức tranh cử tổng thống, ngoài tài khoản Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ còn có một tài khoản Twitter khác là Hillary Clinton 2016 với chức năng là công cụ tranh cử quan trọng.

Bà Hillary Clinton.		                     Ảnh: Reuters
Bà Hillary Clinton. Ảnh: Reuters

Ghé thăm tài khoản Twitter của bà Hillary Clinton những ngày này, người ta không ngạc nhiên khi thấy thông tin về chiến dịch tranh cử của bà tràn ngập niềm vui và phấn khởi. Lúc này là hình ảnh trong chiến dịch tranh cử tại Everett, Washington, lúc khác là cuộc gặp gỡ với 12 người Mỹ chuyển giới rất tự hào vì đã ủng bộ bà Hillary trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, khi khác lại là quan điểm của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ muốn xóa bỏ khoảng cách thu nhập bình quân của những người lao động khuyết tật so với mức lương tối thiểu...

Trên thực tế, ngay từ lúc chưa chính thức mở chiến dịch tranh cử, những chia sẻ trên Twitter của cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ đã phần nào cho thấy bà Hillary Clinton đã tiên phong và chủ động trong mục tiêu sử dụng mạng xã hội trong chiến lược tranh cử chưa chính thức của mình. Mỹ có lẽ là nước tiên phong trên thế giới trong việc sử dụng mạng xã hội làm công cụ ngoại giao.

Năm 2009, khi đang là Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton chính là người đã phát động việc sử dụng các hình thức ngoại giao điện tử. Kể từ đó đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có hơn 200 tài khoản Twitter và cũng chừng ấy tài khoản Facebook.

Và có lẽ vì thế, báo Time (Mỹ) không ngần ngại khi định danh những thông tin chia sẻ của bà Hillary trên Twitter là “chiến dịch tranh cử 140 ký tự”. Bởi hơn ai hết, nhà ngoại giao kỳ cựu Clinton thừa hiểu sức mạnh của 140 ký tự hàm súc ấy.

Sở dĩ tờ Time gọi như vậy là bởi đoạn thông tin đưa lên Twitter (gọi là 1 tweet) chỉ có độ dài tối đa 140 ký tự. Mặc dù cho tới giữa năm 2013, cựu Ngoại trưởng Mỹ mới bắt đầu gia nhập “xã hội Twitter”, nhưng với những gì đã và đang thể hiện, bà Hillary khẳng định bà là người tiên phong trong cách dùng sáng tạo với 140 ký tự đó.

Theo Time, kể từ sau loạt chương trình giới thiệu sách năm ngoái với tác phẩm Hard Choices, những lần xuất hiện trước công chúng của bà Hillary chỉ giới hạn trong các lần diễn thuyết. Và hẳn nhiên khi bà lên tiếng, cả dư luận lẫn báo giới Mỹ đều muốn biết quan điểm của bà trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

Với 140 ký tự ngắn ngủi theo quy định của Twitter, những ai quan tâm hẳn chưa thỏa mãn với chia sẻ của bà Hillary. Thêm nữa, bà cũng thường đưa ra quan điểm khi dư luận ồn ào về một sự kiện thời sự có vẻ đã tạm lắng. Tuy nhiên, cũng vì thế, những phát biểu chính thức của bà Clinton trở nên không quá nghiêm trọng như khi nó mới xuất hiện.

Cũng không có phóng viên nào đeo đuổi đặt câu hỏi tiếp theo với bà, do đó bà có được độ lùi cần thiết để đưa ra quan điểm tổng quan về vấn đề. Chẳng hạn như việc bà đưa ra quan điểm ủng hộ việc bắt buộc tiêm phòng vắc-xin ở Mỹ mà không cần phải lý giải về những nghi ngờ trước đó của chính bà.

Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài thông điệp của bà Hillary trên Twitter. Ủng hộ đề xuất tăng lương tối thiểu, bà viết “Hy vọng sẽ thấy thành phố New Yorrk là nơi đi đầu trong việc tăng lương cho các gia đình lao động. Cảm ơn ngài Thị trưởng”.

Bà cũng tỏ ý đồng thuận với quy định Hiến pháp về việc chăm sóc trẻ em với dòng tweet: “Trẻ em khỏe mạnh khiến gia đình và cộng đồng chúng ta mạnh mẽ hơn. Đó là nhờ Tổng thống đã ký sắc lệnh ban hành luật chăm sóc trẻ em được sự đồng thuận của cả hải đảng”.

Hay khi phản ứng với việc hạn chế một phần trong đạo luật Dodd-Frank, bà viết: “Tấn công vào cải cách tài chính là việc làm nguy hiểm và sai trái. Tốt hơn là Quốc hội nên tập trung vào giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu” v.v…

Trần Đắc Luân

;
.
.
.
.
.