.
KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP NGÂN HÀNG TMCP HÀNG HẢI (MARITIME BANK), CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Tạo lập những giá trị bền vững cho tương lai

.

Ngày 20-7 là một cột mốc đáng nhớ của Ngân hàng TMCP Hàng hải, Chi nhánh Đà Nẵng. Từ ngày này cách đây 15 năm, Chi nhánh Đà Nẵng được thành lập đã góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh không ngừng của Maritime Bank trên toàn quốc.
 
Trước những biến động trên thị trường tài chính-ngân hàng trong thời gian qua, để lý giải cho kết quả kinh doanh tương đối khả quan của chi nhánh, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà VŨ KIM DUNG, Giám đốc Maritime Bank, Chi nhánh Đà Nẵng.

* P.V: Thưa bà, trước những diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính-ngân hàng thời gian qua, trong đó có việc xuất hiện những “cuộc đua” lãi suất để huy động vốn, Maritime Bank Đà Nẵng đã có những động thái gì để thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh được giao?

- Bà Vũ Kim Dung: Với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước và sự hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ của Maritime Bank cũng như lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và sự hợp tác của các đối tác, khách hàng..., qua 15 năm hoạt động, từ một chi nhánh ban đầu, đến nay, tại Đà Nẵng, Maritime Bank đã có 2 chi nhánh với 5 điểm giao dịch. Đây chính là những điều kiện quan trọng để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của chi nhánh trong thời gian qua.

Vì vậy, mặc dù có những khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm, Maritime Bank, Chi nhánh Đà Nẵng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, lợi nhuận trước trích dự phòng chung đạt 194,7% kế hoạch; tổng thu thuần hoạt động đạt 127,2%; huy động vốn đạt 106,7%; dư nợ tín dụng đạt 102%...

Từ đó, chúng tôi góp phần cùng Maritime Bank đạt lợi nhuận trước thuế gần 230 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng... Để đạt được những kết quả đó, chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng về tỷ giá, lãi suất huy động...; thường xuyên theo dõi thị trường lãi suất; tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để điều chỉnh, duy trì và phát triển thêm một số khách hàng mới, qua đó giữ vững được tốc độ tăng trưởng trong thời gian khó khăn này.

* P.V: Một trong những giải pháp được Chính phủ cũng như thành phố Đà Nẵng đưa ra để kiềm chế lạm phát là tập trung nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Với vai trò của mình, Maritime Bank Đà Nẵng đã và sẽ làm gì để góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này?

- Bà Vũ Kim Dung: Trước hết, chúng tôi tập trung vào việc huy động vốn, nhất là tiền nhàn rỗi trong dân để góp phần giảm lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường. Từ đó, Maritime Bank bảo đảm việc cho vay đối với các khách hàng là doanh nghiệp đầu tư thực sự cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu để họ ổn định sản xuất, xuất khẩu tạo nguồn ngoại tệ. Đây là giải pháp cơ bản nhất để góp phần cùng các doanh nghiệp, những khách hàng truyền thống của Maritime Bank vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

Để  bảo đảm cho hoạt động này cũng như sự phát triển của mình, trong thời gian tới, Maritime Bank Đà Nẵng tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động của mình. Trong kế hoạch hoạt động chung do Đại hội cổ đông đề ra, trong năm 2008, Maritime Bank dự kiến nâng tổng tài sản lên gần 30 nghìn tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 520 tỷ đồng và nâng tổng số điểm giao dịch trên toàn quốc lên gần 100 điểm...; từ đó phấn đấu sẽ lọt vào Top 10 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam vào năm 2010.

Maritime Bank Đà Nẵng luôn coi trọng việc mở rộng mạng lưới. TRONG ẢNH: Khai trương Phòng giao dịch Cẩm Lệ.


Để đạt được điều đó, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo ngành ngân hàng cũng như chính quyền địa phương và sự hợp tác của những đối tác, khách hàng... để tạo nên những giá trị bền vững hơn trong tương lai.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

P.V (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.