.

Giảm lãi suất cho vay -hạ nhiệt lãi suất huy động

.

Sau Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) hạ lãi suất cho vay, cuối tuần qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã vào cuộc khi cho biết kể từ ngày 18-7, mức lãi suất cho vay giảm xuống.

Còn Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào tối 18-7 cũng thông báo hạ lãi suất cho vay ở tất cả các đối tượng. Mặc dù mức giảm rất thấp, nhưng việc giảm này đã khiến cho cuộc đua tăng lãi suất huy động trong thời gian qua “hạ nhiệt”.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là một trong những ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay.


Với mức hạ từ 0,5% - 1%/năm so mức lãi suất trần cho vay hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của các DN đang “khát” vốn. Song đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thị trường tiền tệ có nhiều biến động trong thời gian qua. Theo công bố của Ngân hàng Agribank, kể từ ngày 18-7, Agribank giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm so với mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định; lãi suất cho vay tối đa của Agribank sẽ không vượt quá 20,5%/năm đối với tất cả đối tượng khách hàng, áp dụng cho cả khoản vay trung và dài hạn.
 
Đối với USD, Agribank giảm 2%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, trong khi đó, Vietcombank bắt đầu giảm 1%/năm lãi suất cho vay VNĐ và lãi suất cho vay tối đa sẽ không vượt 20%/năm; lãi suất cho vay bằng USD là 8,5%/năm (giảm 0,5%/năm). Trước đó, BIDV cũng đã thực hiện giảm từ 0,2% - 0,6% lãi suất cho vay VNĐ.

Tuy nhiên, so với 2 ngân hàng Agribank và BIDV, Vietcombank chỉ áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi  trên cho những khách hàng truyền thống, khách hàng sử dụng giải pháp dịch vụ tổng thể của ngân hàng này và kinh doanh trong các lĩnh vực: Các dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ; phát triển nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu (đặc biệt là xuất khẩu nông-lâm-thủy sản); SXKD các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước thay thế hàng nhập khẩu; nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu sản xuất, thuốc chữa bệnh. Chính vì thế, nhiều nhà kinh doanh ở các lĩnh vực khác và không phải là khách hàng truyền thống của Vietcombank lại tỏ ra không mấy quan tâm với quyết định trên.

Cùng với việc hạ lãi suất cho vay ở các ngân hàng trên thì các ngân hàng TM khác đã điều chỉnh lại cơ cấu lãi suất huy động. Các mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và ngắn hạn tăng, lãi suất tiền gửi 12 tháng giảm. Hiện mức lãi suất được xem là cao, tương ứng với các kỳ hạn 3, 6, 12 tháng của khối ngân hàng TMCP là trên 18,8%, giảm từ 0,1- 0,3%/năm so với tuần trước. 

Mức lãi suất cao nhất tương ứng với các kỳ hạn trên ở khối ngân hàng TM Nhà nước ở vào khoảng 18% - 18,2%, giảm  0,5%/năm so với cách đó 10 ngày. Trong khi đó, lãi suất không kỳ hạn của các ngân hàng TM Nhà nước lại có xu hướng tăng khoảng 0,6%/năm và “chốt” ở mức 3,6%/năm. Điều đáng nói là các lãi suất huy động USD ở các chi nhánh NHTM Nhà nước cũng đã giảm và phổ biến ở mức tương ứng 6,2%, 6,3% và 6,5%/năm cho các kỳ hạn 3, 6, 12 tháng. Mặc dù mức giảm chưa đáng kể và ở một số ngân hàng chỉ áp dụng với đối tượng nhất định nhưng với động thái này, người kinh doanh hy vọng rằng mặt bằng lãi suất sẽ được thiết lập đúng giá trị thực của nó.
 
Bài và ảnh : Thành Lân

;
.
.
.
.
.