Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn để cứu doanh nghiệp

.

Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 và những nội dung quan trọng khác. Trong phiên họp ở tổ, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mong muốn Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn để cứu doanh nghiệp (DN).

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phát biểu ý kiến.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phát biểu ý kiến.

Nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ: Tăng trưởng GDP quý I năm 2023 đạt 3,32%, thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực DN nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều DN thiếu đơn hàng. Thu ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng: Là quốc gia có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng, điều kiện quốc tế có tác động mạnh đến sự phát triển trong nước. Thực tế cho thấy DN rút khỏi thị trường cao, trung bình 1 tháng có 19.700 DN tham gia thị trường, thì cũng có tới 19.200 DN rút khỏi thị trường. Xuất khẩu 4 tháng đạt 108 tỷ USD, giảm 11.8%, nhập khẩu đạt 102 tỷ USD giảm 15%; GDP quý I-2023 giảm 2,5 điểm so với mức 5,9% của quý IV-2022. Do đó, các yếu tố này cần được nghiên cứu thấu đáo, tạo cơ sở khoa học cho các phản ứng chính sách phù hợp.

“DN là  xương sống của nền kinh tế, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội. Trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, DN đang hết sức khó khăn. Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ DN, xã hội cần có sự chia sẻ, chung tay cùng DN trong lúc đang hết sức khó khăn này”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị phải nhanh chóng đẩy mạnh lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại hàng hóa; Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN; Giảm các nghĩa vụ tài chính cho DN, người dân; đánh giá cáo việc giảm thuế VAT 2% để kích cầu tiêu dùng; Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Nhìn ở góc độ kinh tế, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, chỉ số tăng trưởng năm 2022 tốt chủ yếu do nền của 2021 thấp vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Đến quý I-2023, tăng trưởng chỉ có 3,32%. 

Năm 2023, tác động từ bên ngoài, vấn đề nội tại chưa khắc phục được hiệu quả, ngay từ đầu năm đã gặp nhiều khó khăn. Việc này không bất ngờ, chúng ta lường trước khi bàn về kịch bản tăng trưởng năm 2023. “Chính phủ vẫn quyết tâm xây dựng kịch bản với chỉ tiêu cao nhưng chuyên gia phân tích đánh giá rằng 2023 là năm “mã hồi” của Covid-19 làm kiệt quệ, suy yếu tác động ngay từ đầu năm”, đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đánh giá tình hình kinh tế từ năm 2023 phải có cách nhìn khách quan, đừng tiêu cực cho rằng do điều hành, do hạn chế nào đó trong điều hành kinh tế vĩ mô mà kinh tế ảm đạm. Cần nhìn vào bên ngoài, thế giới do tác động của đại dịch Covid-19, do chiến tranh, xung đột, mâu thuẫn của các nước lớn.

Một số ĐBQH cũng nhìn nhận, cung cầu khác nhau, cầu giảm rất mạnh, dẫn đến sản xuất, công nghiệp, dịch vụ giảm, nền kinh tế với độ mở lớn lệ thuộc, thế giới tăng thì chúng ta tăng, thế giới giảm chúng ta giảm, trồi sụt như vậy tương ứng với nền kinh tế thế giới.

Vấn đề nội tại còn một số vấn đề nhưng gốc rễ vẫn là cán bộ. “Chất lượng thể chế hạn chế nên chất lượng cán bộ còn kém hơn, chứ không phải do sự vận hành các thiết chế về kinh tế, DN. Tác động từ bên ngoài làm bức tranh kinh tế nửa đầu năm ảm đạm. Số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm rất nhiều, số lượng công nhân thất nghiệp tăng lên. Đến ngày 23-5, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ thất nghiệp”, đại biểu Lê Thanh Vân dẫn chứng.

Bên hành lang Quốc hội, một số ĐBQH cũng nhìn nhận, kinh tế động lực phát triển công nghiệp phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đang giảm nghiêm trọng, nhiều DN đóng cửa, công nhân thì thất nghiệp.

Nguyên nhân là giảm cầu, đơn đặt hàng không có. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của nhà nước với DN, việc kiểm soát của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với DN chưa có sự chia sẻ.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.