Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào những dự án trọng điểm, quy mô lớn

.

Để đẩy mạnh công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cuối quý 1-2023, thành phố tổ chức nhiều đoàn công tác nước ngoài cũng như các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn... để kêu gọi thu hút đầu tư vào thành phố.

Sản xuất ở Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Sản xuất ở Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư

Trong quý 1-2023, thành phố tổ chức các buổi tọa đàm xúc tiến đầu tư tại các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Qatar vào ngày 6-3, và 9-3, do Chủ tich UBND thành phố Lê Trung Chinh dẫn đầu, đã kêu gọi doanh nghiệp ở khu vực Trung Đông đầu tư vào thành phố; tìm hiểu mô hình hoạt động trung tâm tài chính quốc tế để có thể vận dụng thu hút đầu tư vào Đà Nẵng cùng các dự án khác như cảng Liên Chiểu, các lĩnh vực logistics, du lịch, công nghệ cao, công nghệ thông tin…

Đặc biệt, cuối tháng 3-2023, đoàn công tác tại Nhật Bản do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi với lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Osaka, Chiba, Sakai, Yokohama, Kanagawa, Kisarazu; thăm, làm việc với hàng loạt công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản như Metran, Sumitomo, Pasona, Alfresa, Mitsubishi, Aeon Mall... Đáng chú ý, trong chuyến công tác này, thành phố đã tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, du lịch tại Osaka; hội thảo xúc tiến đầu tư tại Chiba; Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 11 tại Yokohama...

Cũng trong tháng 3, thành phố tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng như: tọa đàm giới thiệu môi trường đầu tư thành phố Đà Nẵng; diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023; hội thảo với hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam (Hàn Quốc); tiếp và làm việc với Văn phòng Xúc tiến đầu tư Thái Lan tại Hà Nội và các nhà đầu tư Thái Lan… Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút nguồn vốn FDI từ các thị trường truyền thống, trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức...; tăng cường quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh tại các thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ.

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho biết, thành phố hiện đang ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước như: lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch - bất động sản giá trị cao, tài chính, giáo dục, thể dục - thể thao…

Theo đó, thành phố Đà Nẵng mong muốn các đối tác, nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, R&D (nghiên cứu và phát triển), công nghiệp hỗ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu công nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục…

Các đại biểu về dự diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023. Ảnh: THÀNH LÂN
Các đại biểu về dự diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023. Ảnh: THÀNH LÂN

Một lý do mà các nhà đầu tư thường chỉ ra là hầu hết dự án FDI tập trung vào khu công nghiệp (KCN), tuy nhiên, diện tích đất cho thuê tại các KCN trên địa bàn thành phố hiện đã lấp đầy trên 85%; các khu, cụm công nghiệp mới lại đang trong giai đoạn đầu tư. Thành phố đang thiếu quỹ đất sạch quy mô lớn ở cả trong KCN và ngoài KCN để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư.

Việc xúc tiến các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, logistics gặp nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian chủ yếu vì các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Để giải quyết những vấn đề này, hướng đi phù hợp nhất là đẩy mạnh kêu gọi các dự án trọng điểm có quy mô lớn như khu phức hợp trung tâm tài chính, casino, giải trí và cảng Liên Chiểu.

Ngoài ra, thành phố đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án có ý nghĩa khác như khu tổ hợp thương mại, thể thao, giải trí quốc tế, không gian đổi mới sáng tạo, viện dưỡng lão, bệnh viện quốc tế, trường liên cấp quốc tế…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố sẽ hoàn thành và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, hoàn thành thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất sạch, hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án mà nhà đầu tư đã cam kết.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ tập trung hoàn thiện các dự án hạ tầng về phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN hỗ trợ công nghệ cao Đà Nẵng, mở rộng Khu Công nghệ cao. Song song với đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực hơn.

Tại các buổi làm việc, tọa đàm, hội thảo, lãnh đạo thành phố luôn cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp đến đầu tư tại thành phố và chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin để đón dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam. Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến Đà Nẵng đầu tư.

Theo Cục thống kê thành phố, tính từ đầu năm đến ngày 15-3, Đà Nẵng đã cấp mới chứng nhận cho 28 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,46 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 23 dự án, nhưng giảm 18,8% về số vốn đăng ký); lũy kế đến nay, Đà Nẵng thu hút 977 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 4,065 tỷ USD...

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.