Chung tay xây dựng thành phố phát triển

.

Khu vực Đồng Nò thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn được vây quanh bởi sông Cổ Cò và Vĩnh Điện. Từ sau ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997), đặc biệt là sau 18 năm lên phố thị, khu vực này vẫn còn khó khăn. Chủ trương xây dựng một khu đô thị mới, khang trang, hiện đại, sinh thái ở ven sông sau 20 năm triển khai tại đây vẫn còn đang dang dở, cần sự đồng thuận, chung tay của người dân để hoàn thành, tạo động lực phát triển đô thị và kinh tế-xã hội thành phố.

Để có được diện mạo đô thị khang trang và sự phát triển kinh tế-xã hội như ngày nay, đã có nhiều hộ dân quận Ngũ Hành Sơn đã nhường đất để xây dựng các dự án.  Trong ảnh: Một góc phường Hòa Quý và Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.Ảnh: PV
Để có được diện mạo đô thị khang trang và sự phát triển kinh tế-xã hội như ngày nay, đã có nhiều hộ dân quận Ngũ Hành Sơn đã nhường đất để xây dựng các dự án. TRONG ẢNH: Một góc phường Hòa Quý và Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: PV

Bài 1: Xây dựng dự án động lực trên vùng đất khó khăn

Sau 20 năm triển khai dự án Khu đô thị và biệt thự sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước và mở rộng, điều chỉnh thành dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò, hơn 92% tổng số hồ sơ giải tỏa đã được các hộ dân ở khu vực Đồng Nò ký bàn giao mặt bằng để thi công nhiều hạng mục.

Dự án động lực  

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng Nò là vùng đất có nhiều cán bộ, du kích, bộ đội dừng chân trước khi vào khu căn cứ “lõm” K20. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đồng Nò là một vùng kinh tế mới. Nhiều người dân đã đến đây trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá, tôm trên các sông. Nhắc đến Đồng Nò, người dân thành phố biết đến là một vùng đất còn nhiều khó khăn với địa hình thấp trũng và chỉ có một đường độc đạo đi vào là đường tràn qua sông Cổ Cò. Đường tràn và cả vùng đất này thường hay bị ngập lũ lớn từ sông Thu Bồn về sông Vĩnh Điện và lũ sông Vu Gia về sông Quá Giáng, Cẩm Lệ.

Sau ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực Đồng Nò thuộc thôn Trung Lương, xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang. Đến năm 2005, khi thành lập mới quận Cẩm Lệ trên cơ sở chia tách huyện Hòa Vang, khu vực Đồng Nò trở thành tổ dân phố trực thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Đến năm 2011, khu vực Đồng Nò lại được chia tách ra khỏi phường Hòa Xuân và sáp nhập vào phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Trước đó, vào năm 2003, hòa chung với niềm vui thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, người dân khu vực Đồng Nò đón nhận thông tin “đổi đời” khi thành phố quy hoạch nơi đây trở thành Khu đô thị và biệt thự sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc triển khai dự án cũng như giải tỏa diễn ra chậm. Vì vậy, khi nhìn những hộ dân cùng trong thôn Trung Lương trước đây đã xây dựng nhà cửa khang trang, có đời sống tốt hơn ở khu tái định cư mới thuộc phường Hòa Xuân, nhiều người dân Đồng Nò không khỏi chạnh lòng.

Vào năm 2013, UBND quận Ngũ Hành Sơn công bố quy hoạch dự án Mở rộng khu đô thị biệt thự sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước với tổng diện tích đất thu hồi gần 91ha với khoảng 400 hộ dân ở trong khu vực dự án. Đến năm 2019, dự án tiếp tục được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và mang tên mới là dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò với tổng diện tích quy hoạch được mở rộng hơn 508ha, trong đó diện tích đất là 345ha; diện tích nạo vét, tôn tạo khu cảnh quan, khơi thông sông Cổ Cò là 155ha..., trở thành một dự án động lực thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế-xã hội cũng như thu hút đầu tư của thành phố. Tuy dự án được mở rộng, nhưng tổng diện tích đất thu hồi tại khu vực Đồng Nò là 26ha và được lập tổng cộng 785 hồ sơ giải tỏa, trong đó có 336 hồ sơ nhà, đất thổ cư; 438 hồ sơ đất nông nghiệp, 1 hồ sơ miếu xóm và 10 hồ sơ về mộ phần.

Sau nhiều năm triển khai giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư (từ năm 2007 đến nay), đến chiều 17-4-2023, đã có 732 hồ sơ được các hộ giải tỏa ký bàn giao mặt bằng, trong đó có 312 hồ sơ nhà, đất thổ cư; 416 hồ sơ đất nông nghiệp và ao nuôi tôm; 10 hồ sơ về mộ phần. Còn lại 47 hồ sơ chưa được hộ giải tỏa ký bàn giao mặt bằng, trong đó có 9 hồ sơ có nhà và hộ giải tỏa ở thực tế.

Hộ gia đình ông Huỳnh Văn Quang (tổ 36, phường Hòa Quý) đang tháo dỡ nhà ở, di dời đồ đạc để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hộ gia đình ông Huỳnh Văn Quang (tổ 36, phường Hòa Quý) đang tháo dỡ nhà ở, di dời đồ đạc để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Người dân đồng thuận

Chiều 12-4, tiếp phóng viên Báo Đà Nẵng dưới mái hiên nhà cao 2 tầng ở khu vực Đồng Nò, ông Trần Thanh Tuấn, Tổ trưởng tổ dân phố 36, phường Hòa Quý, cho biết đã đi dời một số tài sản, vật dụng lên nhà người thân ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) vào chiều cùng ngày sau khi ký tên vào hồ sơ bàn giao mặt bằng. Ông cùng gia đình sẽ tiếp tục di chuyển đồ đạc để tháo dỡ nhà cửa vào giữa tháng 4-2023, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án Khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò.

Ông Trần Thanh Tuấn là một trong những người đầu tiên đến khu vực Đồng Nò này làm kinh tế mới. Ông cũng là người có thâm niên làm trưởng thôn Trung Lương khi nơi đây còn thuộc huyện Hòa Vang và làm tổ trưởng tổ dân phố khi nơi đây thuộc phường Hòa Xuân trước đây cũng như phường Hòa Quý hiện nay. Tại đây, ông cùng gia đình trồng rau, nuôi tôm, gà... để trang trải đời sống, nuôi dạy 4 con ăn học và dựng vợ, gả chồng cho con.

Suốt 40 năm sinh sống ở Đồng Nò, gia đình ông Tuấn đã xây dựng được một căn nhà 2 tầng, đủ chỗ ở cho 11 người. Ông cùng bà con cũng góp tiền, kiến nghị cấp trên xây dựng các đường bê-tông để thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, ở nơi này vẫn chưa có nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng kém và thường hay ngập vào mùa lũ. “Tôi cũng đã nghĩ thông rồi, bàn giao lại mặt bằng, vườn tược cho Nhà nước để phát triển”, ông Tuấn chia sẻ.

Ở bên cạnh nhà ông Tuấn, trong chiều 12-4, gia đình bà Lê Thị Minh (tổ 36, phường Hòa Quý) cũng đã ký hồ sơ bàn giao mặt bằng cho dự án. Một số tài sản, vật dụng, nhất là máy thủy phục vụ nghề đánh bắt cá trên các sông cũng đã được gia đình vận chuyển đi nơi khác và đang chuẩn bị để tháo dỡ nhà ở, bàn giao mặt bằng thực tế phục vụ thi công dự án.

Bà Lê Thị Minh cho biết: “Đến tháng 4 âm lịch này, gia đình tôi sẽ mở móng, xây dựng nhà ở khu tái định cư mới”. Cũng trong chiều 12-4, hộ gia đình ông Huỳnh Văn Quang (tổ 36, phường Hòa Quý) ký hồ sơ bàn giao mặt bằng.

“Gia đình tôi bị thu hồi 652,4m2 đất, trong đó có 300m2 đất ở. Với diện tích đất nói trên cùng 3 căn nhà trên đất, đại gia đình tôi đã được hội đồng giải phóng mặt bằng giải quyết đền bù, hỗ trợ và bố trí 3 lô đất tái định cư. Gia đình tôi cũng đã nhận đất thực tế rồi nên đang tháo dỡ mái tôn, đòn tay... của nhà cũ lên làm một nhà tạm trên đất mới ở tạm rồi xây dựng nhà ở sau”, ông Quang cho biết.

Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, quận đang tích cực vận động các hộ dân còn lại đồng thuận bàn giao mặt bằng vì hội đồng giải phóng mặt bằng đã giải quyết đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư vượt trội so với quy định. Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Ngô Thanh Trà cho hay: “Từ ngày 12-4 đến 17-4, có 6 hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng. Những hộ giải tỏa trước đây đã nhận đất tái định cư tại phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và xây dựng nhà ở khang trang, có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, không còn chịu cảnh ngập lụt, thiệt hại mỗi khi có lũ lớn”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.