Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch

.

Tại chương trình “Tọa đàm du lịch mùa xuân 2023” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 3-3, lãnh đạo thành phố lắng nghe đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp du lịch, hiệp hội trên địa bàn để từ đó tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến và Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh đồng chủ trì tọa đàm.

Các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho dịp cao điểm tới đây. Trong ảnh: Nhân viên Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills hướng dẫn du khách nước ngoài làm thủ tục. Ảnh: THU HÀ
Các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho dịp cao điểm tới đây. TRONG ẢNH: Nhân viên Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills hướng dẫn du khách nước ngoài làm thủ tục. Ảnh: THU HÀ

Đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 742.500 lượt, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 90,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế ước đạt 195.300 lượt, tăng 49 lần so với cùng kỳ năm 2022, bằng 91,2% so với cùng kỳ năm 2019, khách nội địa ước đạt 547.100 lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, bằng 90,1% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 4.374 tỷ đồng, tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn những hạn chế: doanh nghiệp du lịch vẫn gặp khó khăn về nguồn khách, nguồn vốn kinh doanh, tái đầu tư; tuyển dụng nguồn nhân lực; cạn kiệt nguồn lực tài chính do thời gian dừng kinh doanh quá lâu và nhiều lần bị gián đoạn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển xuống cấp, hư hỏng. Nguồn nhân lực du lịch thiếu và khó bảo đảm chất lượng do lao động đã tìm được việc khác ổn định, tâm lý lo ngại dịch bệnh phải nghỉ việc…

Do đó, bà Hạnh đề xuất lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm các vấn đề như: phát triển du lịch đường thủy nội địa để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế và tạo sản phẩm mới; phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch; triển khai các dự án du lịch động lực trên địa bàn; bảo đảm an ninh toàn và môi trường cảnh quan điểm đến.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đề nghị UBND thành phố kiến nghị HĐND thành phố tiếp tục giảm tiền thuế đất cho doanh nghiệp thêm 1 năm nữa; hỗ trợ giảm thuế cho doanh nghiệp; hướng dẫn các chính sách cho lao động người nước ngoài làm việc tại thành phố nhất là các chuyên gia chất lượng cao; đặc biệt cần khai thác hiệu quả hơn du lịch nội địa đường thủy tại các tuyến, bến; thành phố quan tâm chỉ đạo đưa thêm vào các sản phẩm như: phố đi bộ, dòng sông ánh sáng…

Trong khi đó, Tiến sĩ Mo Chul Min, Hiệu trưởng Trường Du lịch - Đại học Duy Tân chia sẻ, qua tìm hiểu nghiên cứu khách Hàn Quốc rất thích điểm đến Đà Nẵng vì bãi biển đẹp, giá cả dịch vụ phải chăng và nhiều người làm dịch vụ nói được tiếng Hàn. Song, vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện như: thời gian thủ tục nhập cảnh tại sân bay còn lâu khiến khách phải chờ đợi; tình trạng thu tiền xe dịch vụ giá cao; các dịch vụ ăn uống ở sân bay đắt đỏ; thành phố nên có bản đồ về các quán cà phê để thuận tiện cho du khách du lịch. Đại diện một số doanh nghiệp cũng kiến nghị về các vấn đề thiếu nguồn nhân lực khách sạn; các chủ trương hướng dẫn các nhà đầu tư về bến bãi của đường thủy nội địa; ưu tiên cho vui chơi giải trí biển về đêm…

Ông Hồ Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho biết: “Tình trạng xe dù lừa đảo bắt khách ở nhà ga T2 còn phổ biến. Sự việc này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Đà Nẵng, hình tượng “thành phố đáng sống” trong mắt du khách. Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố có chỉ đạo khắc phục kịp thời trước cao điểm mùa du lịch năm 2023. Chúng tôi có thể cung cấp hình ảnh camera để công an thành phố tiến hành điều tra xử lý”.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) cho biết thành phố đã và đang làm hết mình trong việc khôi phục và phát triển du lịch. Ảnh: THU HÀ
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) cho biết thành phố đã và đang làm hết mình trong việc khôi phục và phát triển du lịch. Ảnh: THU HÀ

Thành phố nỗ lực hết sức để phát triển du lịch

Về vấn đề các bến bãi của du lịch đường thủy nội địa, ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, hiện Đà Nẵng có 2 quyết định và kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch đường thủy nội địa, trong đó có nhiều nội dung mới, tháo gỡ được một số vấn đề trước đây các doanh nghiệp du lịch đã kiến nghị như: mở rộng các tuyến; điều chỉnh lại quy mô các tàu chở khách... Tuy nhiên, phải xác định được vị trí dừng của điểm đến như thế nào để bảo đảm tuyến đó được khai thác hiệu quả, tránh tình trạng tuyến, bến cũng công bố nhưng việc hoạt động lại gặp khó khăn, vướng mắc. Bởi một số bến đã được đầu tư xong giao cho địa phương quản lý nhưng lại không phát huy được hết các hiệu quả, về lâu dài sẽ bị xuống cấp. Vì thế, thời gian tới cần tăng cường xã hội hóa các bến này cả trong việc đầu tư và khai thác, có như vậy việc khai thác mới hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, không khai thác được sản phẩm.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, Đà Nẵng đã và đang làm hết mình trong việc khôi phục và phát triển du lịch; đồng thời ghi nhận những ý kiến, đóng góp của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn về giải pháp phát triển du lịch Đà Nẵng. Sắp tới, thành phố sẽ có nhiều sự kiện, lễ hội có quy mô lớn. Để hoạt động du lịch trong năm 2023 đạt được những kết quả như mong muốn, Sở Du lịch tham mưu chính cho UBND thành phố về công tác chỉ đạo trên lĩnh vực này. Sở sớm làm việc với đơn vị xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng để giảm thời gian nhập cảnh vào Đà Nẵng; xây dựng quy chế, tìm các điểm check-in mới, có hướng dẫn về môi trường, an ninh…; xây dựng thẻ du lịch, bản đồ ẩm thực du lịch để phục vụ du khách; quan tâm đến vấn đề an toàn bờ biển, khách tắm biển; nắm bắt các chương trình, thông tin về điểm đến cho các thị trường khách.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh môi trường, chèo kéo, chặt chém, xe dù đối với du khách; rà soát, đánh giá lại các tiêu chí xếp hạng các nhà hàng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm tốt hơn nữa việc cấp phép cho lao động người nước ngoài; Sở Tài chính nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc miễn giảm thuế; Sở Y tế quan tâm đến sản phẩm du lịch sức khỏe... Hiệp hội du lịch, các hội thành viên phát huy vai trò của mình, làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính quyền để xử lý các vướng mắc, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời đề xuất với thành phố, tháo gỡ khó khăn, tạo đà trong việc phối hợp giữa các doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm về chất lượng, có sự chia sẻ để giữ gìn điểm đến.

Khai thác tối đa các sản phẩm hiện có

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, “Tọa đàm du lịch mùa xuân 2023” là cơ hội để lãnh đạo thành phố, các ngành lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp. Có những ý kiến có thể xử lý ngay được nhưng cũng có những vấn đề cần phải có thời gian, vì thế sau tọa đàm UBND thành phố sẽ rà soát lại và có kết luận cụ thể để các ngành sớm triển khai. Việc trước mắt có thể làm ngay là công tác truyền thông, quảng bá các sự kiện, sản phẩm của thành phố; khai thác tối đa những sản phẩm du lịch đang có, cùng với đó khai thác thêm các sản phẩm du lịch khác để thu hút khách đến.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.