Tập trung thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng năm 2023

.

ĐNO - Sáng 22-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Trần Phước Sơn cùng lãnh đạo các ban của Thành ủy, HĐND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cùng chủ trì hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, công tác đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm của UBND thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công tác đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công.

UBND thành phố tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và bàn các giải pháp quyết liệt để chỉ đạo hoàn thành công tác đầu tư công năm 2023, trong đó có giải pháp rất quyết liệt là tập trung gỡ nút thắt về công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu mở đầu hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Năm 2022, giải ngân đạt 115% kế hoạch vốn Trung ương giao

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm, trong năm 2022, tổng số vốn giải ngân toàn thành phố đạt 6.345 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch Trung ương giao, cao hơn mức bình quân cả nước (93%), thuộc nhóm các địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công xếp thứ 19/63 địa phương trên cả nước và đạt 91% kế hoạch HĐND thành phố đã phân bổ, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 103,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 87,8% kế hoạch HĐND thành phố giao đã phân bổ).

Trong năm 2022, thành phố đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình: Công viên APEC mở rộng APEC; cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; dự án Nhà máy nước Hòa Liên cơ bản hoàn thành; tuyến cống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành (cơ bản hoàn thành, đang hoàn trả mặt bằng); đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan (đoạn Km5+226,59- Km10+501- từ cầu Đỏ đến quốc lộ 14B); trạm trung chuyển rác thải khu vực Sơn Trà (200 tấn/ngày)…

Đồng thời, thành phố đã tổ chức khởi công một số công trình lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: dự án Nâng cấp, tôn tạo Đài tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 Tháng 3 (giai đoạn 1); khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án Làng Đại học Đà Nẵng; dự án Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu và dự án Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 3; dự án thành phần Đầu tư xây dựng Nâng cấp Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, đầu tư xây dựng, cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; khu chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên; đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1) - phần cơ sở hạ tầng dùng chung; xây mới Trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hòa Khánh có công suất 5.000m3/ngày (giai đoạn 2)...  

Tuy nhiên, một số dự án do các khó khăn, vướng mắc nên giải ngân chưa bảo đảm mục tiêu đề ra như: tuyến đường vành đai phía tây, tuyến quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), Nhà máy nước Hòa Liên, tuyến đường trục 1 - Tây Bắc, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Doanh trại Hải đội dân quân thường trực...  

Tổng kế hoạch vốn còn lại của thành phố năm 2022 không giải ngân hết gồm cả vốn kéo dài năm 2021 chuyển sang và dự toán giao năm 2022 là 1.182 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương còn lại 9,744 tỷ đồng (thẩm quyền cho phép kéo dài thuộc Thủ tướng Chính phủ); vốn ngân sách địa phương là 1.172 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị chuyên đề về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh hội nghị chuyên đề về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND và UBND thành phố giao là hơn 7.947 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn xây lắp đã phân bổ là 5.207 tỷ đồng, kế hoạch vốn đền bù đã phân bổ là 780 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2023 đã bố trí vốn thanh toán đối với 30 công trình, dự án động lực, trọng điểm với tổng quy mô là 2.407 tỷ đồng, bằng 30,3% tổng kế hoạch vốn và bằng 40,2% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản đã phân bổ.

Đến hết ngày 31-1-2023, các chủ đầu tư, quản lý dự án và các đơn vị được giao kế hoạch vốn xây dựng cơ bản đã phân bổ chi tiết 5.824 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 400 tỷ đồng và vốn ngân sách thành phố là 5.424 tỷ đồng.

Số còn lại chưa phân bổ chi tiết là 163 tỷ đồng đối với 3 dự án được bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, dự án Đầu tư Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Đà Nẵng, dự án Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng).

Thành phố đã nhận diện được hầu hết các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy trình, thủ tục, cơ sở pháp lý và các nội dung có liên quan trong hoạt động đầu tư công để có sự chủ động trong việc tháo gỡ, có giải pháp triển khai thực hiện phù hợp thực tế.

Trước mắt, các chủ đầu tư, đơn vị thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án để tổng hợp, trình HĐND thành phố phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao tại kỳ họp chuyên đề dự kiến trong tháng 3-2023, trong đó nguồn dự phòng chờ phân bổ là 1.659 tỷ đồng, riêng vốn dân sinh là 85,468 tỷ đồng.

Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án được bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được giao kế hoạch vốn năm 2023, nhưng chưa bảo đảm điều kiện giải ngân, phân bổ khẩn trương hoàn thành công tác phê duyệt dự án đầu tư để giải ngân 163 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao.

UBND thành phố chủ động thực hiện công tác điều chỉnh, điều chuyển nội bộ kế hoạch vốn được giao giữa các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền.

Xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư công theo hướng ưu tiên các công trình, dự án trọng điểm trình cấp thẩm quyền theo chương trình công tác của Thành ủy và UBND thành phố; trình HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp giữa năm 2023.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có kế hoạch chi tiết và giải pháp cụ thể đôn đốc các nhà thầu tập trung thi công, giải ngân kế hoạch vốn, thực hiện quyết toán vốn… theo từng nhóm dự án.

Cụ thể, cần tập trung giải ngân để định kỳ hàng tháng báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với 7 công trình, dự án có vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 563 tỷ đồng; báo cáo kết quả hằng tháng cho Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố đối với nhóm 30 dự án, công trình, dự án động lực, trọng điểm với tổng vốn 2.407 tỷ đồng.

Thành phố tập trung thực hiện các hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán theo quy định đối với 96 dự án với tổng vốn 294,015 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trước 30-6-2023. Ngoài ra, phấn đấu 100% các dự án chuyển tiếp (221 dự án) để hoàn thành trong năm 2023 với tổng vốn 4.401 tỷ đồng, không chuyển tiếp sang năm 2024; hoàn thành thủ tục, khởi công 36 dự án khởi công mới năm 2023 với 1.018 tỷ đồng, giải ngân toàn bộ số vốn này trước ngày 31-12-2023...

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An, kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 3 nhóm dự án trong năm 2022, đã hoàn thành 32/218 dự án, đạt 14,67%; xử lý 2.259/14.372 hồ sơ đền bù giải tỏa, đạt 15,7%. Các đơn vị đã giải quyết bố trí tái định cư cho 632 hộ tổng số 967 lô đất.

Một số dự án trọng điểm, động lực đang chậm giải phóng mặt bằng như: dự án Tuyến đường trục 1 - Tây Bắc (quận Liên Chiểu), Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 (huyện Hòa Vang), Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng Đại học Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn)...

Các đại biểu dự hội nghị tập trung đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 và nghiên cứu giải pháp quyết liệt thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công và giải phóng mặt bằng năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đại biểu dự hội nghị tập trung đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 và nghiên cứu giải pháp quyết liệt thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công và giải phóng mặt bằng năm 2023. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Việc giải phóng mặt bằng chậm có nguyên nhân khách quan là giá đất bồi thường thấp; việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định việc làm thu hồi đất nông nghiệp vẫn còn thấp hơn địa phương khác, chưa áp dụng mức cao nhất trong khung quy định.

Nhiều dự án chậm có đất thực tế theo quy định, nhiều dự án đang triển khai không thực hiện được việc giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp hồ sơ đất ở, nhà ở do không có khu tái định cư thực tế để bố trí cho người dân; quỹ đất nghĩa trang để phục vụ di dời mồ mả ngày càng ít.

Nhiều dự án kéo dài nhiều năm, chuyển giao nhiều đơn vị thực hiện, việc bàn giao hồ sơ không kịp thời, đầy đủ dẫn đến khó khăn trong tiếp tục giải quyết công việc tiếp theo; vấn đề trượt giá, tăng về đơn giá đền bù nên khó vận động chấp hành bàn giao mặt bằng...

Nguyên nhân chủ quan là tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây nhà trên đất không phải là đất ở; quỹ đất tái định cư tại các khu dân cư phân bổ không đồng đều giữa các loại đường quy hoạch và các địa bàn quận, huyện; hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện chưa quyết liệt trong công tác thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình chây ỳ không bàn giao mặt bằng...

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 202 dự án với 18.391 hồ sơ đền bù giải tỏa trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Trong đó tập trung cụ thể hóa quy định suất tái định cư tối thiểu, hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất; quy định về bố trí đất tái định cư vị trí 2 mặt tiền; điều chỉnh các phụ lục bồi thường về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, di dời mồ mã tại để phù hợp với giá cả hiện nay; nâng mức hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định việc làm thu hồi đất nông nghiệp tăng thêm so với quy định tương ứng hiện nay.

Sở sẽ tham mưu thành phố có chính sách chung về hỗ trợ trượt giá nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu và con vật nuôi đối với hộ giải tỏa chưa bàn giao mặt bằng tại các dự án đang thực hiện dở dang.

Các dự án mới có chủ trương thực hiện từ năm 2023, áp dụng giá đất bồi thường với hộ số giá đất tiệm cận với giá thị trường và chỉ thực hiện bố trí tái định cư cho các hộ phải di chuyển chỗ ở; phân cấp, ủy quyền cho UBND quận, huyện thẩm định, phê duyệt kế hoạch tái định cư tổng thể và phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường về đất; xây dựng chính sách giải quyết bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở đối với trường hợp xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở, chưa bàn giao mặt bằng tại các dự án...

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.