Kinh tế

Thời cơ, thách thức và giải pháp thúc đẩy du lịch biển Việt Nam

07:41, 10/12/2022 (GMT+7)

Hạn chế về môi trường, nguồn lực đầu tư cho môi trường; thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch; phân vùng chưa hợp lý ở nhiều quy mô, cấp độ; thời gian lưu trú của khách du lịch còn thấp, tính mùa vụ cao, thiếu sản phẩm du lịch cao cấp… là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - thời cơ, thách thức và giải pháp” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chiều 9-12.

Cần có các cơ chế, khung pháp lý để du lịch biển đảo, đặc biệt là du lịch tàu biển phát triển hơn nữa. Trong ảnh: Khách du lịch đến Đà Nẵng qua cảng Tiên Sa. Ảnh: THU HÀ
Cần có các cơ chế, khung pháp lý để du lịch biển đảo, đặc biệt là du lịch tàu biển phát triển hơn nữa. TRONG ẢNH: Khách du lịch đến Đà Nẵng qua cảng Tiên Sa. Ảnh: THU HÀ

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã trình bày các tham luận nêu lên thực trạng sản phẩm du lịch biển, đảo còn manh mún; hạ tầng du lịch biển vừa thiếu, yếu và chưa kết nối đồng bộ; các hoạt động du lịch chỉ dừng ở khai thác ven bờ, chưa có đội tàu du lịch mang tầm cỡ khu vực, chưa có cảng chuyên dùng du lịch thực sự hấp dẫn đón các tàu du lịch quốc tế lớn…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt bày tỏ du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển, đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 22-12-2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Đồng thời, du lịch biển đảo được xác định là 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Thời gian tới sẽ chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, hạn chế, các vấn đề cần quan tâm như: tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch; chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, không phát triển ồ ạt, chú trọng sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương và quyền lợi của họ trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa…

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, du lịch biển, đảo là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng. Thời gian qua, thành phố đã tạo dựng được thương hiệu trong nước và quốc tế với một số loại hình thể thao, vui chơi giải trí dưới nước; du lịch đường thủy nội địa được quy hoạch phát triển với 10 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa, trong đó có 8 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa và 2 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo (tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn và Đà Nẵng - Cù lao Chàm) và đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy nội địa khám phá vịnh, bán đảo Sơn Trà (tuyến Sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà và tuyến Sông Hàn - Hòn Chảo và tuyến Đà Nẵng - Lý Sơn).

Cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách.  Trong ảnh: Lễ hội thả diều tại bãi biển Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ
Cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách. TRONG ẢNH Lễ hội thả diều tại bãi biển Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ

Đội tàu được đóng mới, chất lượng dịch vụ tốt đã góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, song vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định. Do đó, ông Bình cũng kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành, Trung ương chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; phê duyệt quy hoạch đầu tư cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch tích hợp vào Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng, đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó cần xem xét bổ sung nội dung quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch vào hệ thống quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia để thuận lợi trong việc kêu gọi nhà đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Trung ương sớm phân định ranh giới hành chính quản lý tại các khu vực bãi Sủng Cỏ, bãi Mà Đa, Hòn Sơn Trà con, làm cơ sở để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển tuyến du lịch đường thủy từ Sông Hàn, sông Cu Đê đi ra Vịnh Đà Nẵng đến điểm cuối tại Hòn Sơn Trà con; cho phép mở rộng, khai thác du lịch toàn diện tuyến đường thủy khu vực bán đảo Sơn Trà...

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần có chiến lược phát triển tổng thể, có quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo, đầu tư hạ tầng, cơ sở du lịch, bảo vệ môi trường biển, có cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến truyền thông... Đây chính là các điểm nghẽn cần được tháo gỡ để khơi thông.

Khai mạc hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022
Sáng 9-12, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì, phối hợp Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức khai mạc hội chợ Du lịch quốc tế (VITM) Đà Nẵng 2022 .
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, năm 2022 là năm đánh dấu sự trở lại và phục hồi của ngành du lịch cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng trong bối cảnh hoạt động du lịch tạm ngừng, các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng do Covid-19 kéo dài. Năm nay, Đà Nẵng đăng cai tổ chức thành công hàng loạt các sự kiện, lễ hội đặc sắc mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cùng nhiều hoạt động đa dạng phong phú khác, góp phần quan trọng quảng bá hiệu quả điểm đến và thu hút du khách đến với Đà Nẵng - Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á năm 2022. VITM Đà Nẵng 2022 lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng cho thấy những nỗ lực rất lớn của thành phố, của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp đã cùng chung tay quyết tâm khôi phục trở lại hoạt động du lịch. “Chúng tôi hy vọng, VITM Đà Nẵng 2022 sẽ mang đến cơ hội trao đổi, kết nối hợp tác kinh doanh trực tiếp giữa các doanh nghiệp với đối tác, cơ hội quảng bá giới thiệu các điểm đến, dịch vụ phục vụ du lịch trên cả nước. Đây là cơ hội để giới thiệu những nét đẹp về mảnh đất, con người và những thành tựu kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng nói chung và sự hấp dẫn đặc biệt của du lịch thành phố nói riêng đến với bạn bè và du khách ở mọi miền đất nước và trên thế giới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.
VITM Đà Nẵng 2022 diễn ra từ ngày 9 đến 11-12 với chủ đề “Du lịch biển, đảo - Thế mạnh của du lịch Việt Nam”, hội chợ có ý nghĩa làm cầu nối đưa Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung trở thành trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và trong khu vực. Với 350 người mua gồm 150 người mua quốc tế đến từ 11 quốc gia và 200 người mua trong nước đến từ 25 tỉnh, thành phố, VITM Đà Nẵng 2022 là sự kiện du lịch quốc tế quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức du lịch giao lưu, quảng bá sản phẩm, trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh và liên kết mở rộng thị trường.

* Ông Vũ Duy Vũ, chuyên gia du lịch tàu biển; nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Sài Gòn Tourist: Cần nghiên cứu phát triển thị trường khách
Cần phát triển hơn nữa các thị trường khách du lịch tàu biển thế giới và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Quốc, tăng cường hơn nữa các hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch Việt Nam nói chung tại các thị trường tiềm năng; xem xét thành lập chi hội du lịch tàu biển nhằm tạo sự kết nối chia sẻ thông tin; chính sách visa cần thông thoáng, cởi mở, linh hoạt hơn; tiếp tục cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách tàu biển…

* Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh: Tạo được điểm nhấn riêng biệt
Mỗi địa phương có biển đều có một thế mạnh, làm sao tạo được điểm nhấn của từng khu vực có đặc thù riêng, nổi trội, tránh tình trạng na ná giống nhau; cần có định hướng cho các địa phương để tạo được điểm nhấn riêng biệt. Việc khai thác hoạt động du lịch biển cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường.

* Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Cần có khung pháp lý cho du lịch tàu biển
Các địa phương cần phải thay đổi cách tiếp cận khách, chủ động khai thác khách thay vì bị động đón khách tàu biển đến như hiện nay. Muốn làm được vậy cần có chiến lược quốc gia về du lịch biển; nghiên cứu, phát triển tổng thể du lịch biển Việt Nam, có khung pháp lý đầy đủ, phù hợp dành cho tàu đi tuyến biển; khung phát lý phù hợp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp. 

THU HÀ

.