Kinh tế

Hiệu quả từ mô hình chế biến dầu thực vật

09:33, 02/12/2020 (GMT+7)

Là mô hình chế biến dầu thực vật được đầu tư bài bản trên địa bàn thành phố, cơ sở sản xuất dầu ăn nguyên chất Hương Quê (18 Nguyễn Văn Cừ, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) của chị Bùi Thị Thanh Kim Huệ (sinh năm 1986) đã tạo ra sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận.

Cơ sở sản xuất dầu ăn nguyên chất Hương Quê đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất.  TRONG ẢNH: Máy ép dầu của cơ sở được đầu tư hiện đại. Ảnh: M.QUẾ
Cơ sở sản xuất dầu ăn nguyên chất Hương Quê đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất. TRONG ẢNH: Máy ép dầu của cơ sở được đầu tư hiện đại. Ảnh: M.QUẾ

Tại Đà Nẵng, dù nhu cầu sử dụng dầu thực vật nguyên chất cao nhưng các cơ sở sản xuất chủ yếu là thủ công từ vài chục năm, năng suất sản xuất không cao. Ngoài ra, vào mùa đậu phụng (vụ hè thu) tháng 4-7 hằng năm, các hộ trồng đậu phụng ở huyện Hòa Vang có từ vài trăm kg đến hàng tấn đậu phụng khô, vì đồng loạt thu hoạch nên đầu ra gặp nhiều khó khăn, người nông dân thường bị ép giá, hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực tế đó, khi tiếp nhận cơ sở sản xuất dầu thực vật thủ công của gia đình, chị Bùi Thị Thanh Kim Huệ đã mạnh dạn đầu tư máy móc để sản xuất dầu thực vật bài bản hơn, một phần mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, một phần hỗ trợ đầu ra cho người nông dân trồng đậu phụng trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận.

Chị Kim Huệ cho biết, khi chưa đầu tư máy móc, năng lực sản xuất thủ công của cơ sở khoảng 300kg đậu phụng/ngày, tạo ra 120 lít dầu thành phẩm. Năm 2010, chị bắt đầu đầu tư máy móc với giá thành vừa phải vì chưa có vốn nhiều. Chị Kim Huệ kể, thời gian đầu chị lo ngại vì chưa có lượng khách sỉ ổn định, chủ yếu là những khách lẻ, quen biết lâu nay. Bên cạnh đó, vì chưa quen với thiết bị máy móc mới nên thỉnh thoảng gặp trục trặc về kỹ thuật. Để khắc phục, chị đi học hỏi, tham quan một số mô hình sản xuất thành công ở các tỉnh khác để rút ra kinh nghiệm cho cơ sở của mình. Sau một thời gian sản xuất và khách hàng ngày càng nhiều lên, năm 2017, chị nghĩ tới việc thay mới dàn thiết bị để cải tiến năng suất. “Nghề sản xuất này là như vậy, máy móc đôi khi mình chỉ sử dụng khoảng 3-5 năm là phải thay mới hoàn toàn để bắt kịp với công nghệ mới và tăng năng suất. Thời điểm năm 2017, cơ sở của tôi sử dụng máy ép thủy lực của Thái Lan, năng suất không cao. Sau đó, tôi đầu tư máy ép thủy lực của Đức giá thành 200 triệu đồng, trong đó, tôi được hỗ trợ 80 triệu đồng từ chương trình khuyến công của thành phố”, chị Kim Huệ chia sẻ.

Nhờ đầu tư máy móc mới, hiện nay năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất dầu ăn nguyên chất Hương Quê khoảng 1.500 lít dầu phụng thành phẩm mỗi ngày, tương đương gần 3 tấn đậu phụng nguyên liệu. Trung bình mỗi tháng, cơ sở bán được 4.000 - 5.000 lít dầu phụng, với giá thành từ 80.000-100.000 đồng/lít tùy theo giá đậu phụng. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của chị Kim Huệ còn sản xuất dầu vừng, nhận bóc tách các loại hạt, đậu khác nhau để tạo thêm việc làm cho nhân công. Hiện quy trình sản xuất của cơ sở là: 50% máy móc, 50% thủ công. Cụ thể, quy trình bóc tách vỏ được thực hiện bởi máy bóc tách, sau đó lựa ra những hạt bị mốc, hỏng thủ công, rồi tới quy trình nghiền bột, hong sấy bằng máy, sau đó thợ đóng bánh và cuối cùng là ép. Mọi hoạt động sản xuất đều theo quy trình khép kín, được kiểm soát ở từng quy trình nên sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Sau 10 năm gắn bó với nghề truyền thống của gia đình bằng những cách làm, suy nghĩ mới, đến nay, sản phẩm dầu thực vật của cơ sở sản xuất dầu ăn nguyên chất Hương Quê đã xuất hiện tại các tỉnh thành như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng… Chị Kim Huệ cho biết, vì sản xuất quanh năm nên cơ sở sản xuất của chị cung ứng cho cả các cơ sở tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế (vốn là những nơi chuyên sản xuất dầu thực vật) khi hết mùa đậu phụng, tạo việc làm cho nhiều công nhân. Khấu trừ mọi chi phí, riêng chị Kim Huệ có thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Tháng 9 vừa qua, cơ sở sản xuất dầu ăn nguyên chất Hương Quê tiếp tục được hỗ trợ từ chương trình khuyến công của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) 120 triệu đồng. Chị Huệ mượn thêm tiền để đầu tư dàn máy sấy. Chị Kim Huệ chia sẻ, thời gian tới, chị mong muốn được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh của thành phố tiếp cận với các sàn thương mại điện tử, bán hàng qua các kênh trực tuyến để có thể mở rộng thị trường, tiếp cận các khách hàng mới.

MAI QUẾ

.