Kinh tế

Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu container đóng hàng

14:18, 05/12/2020 (GMT+7)

Việc thiếu container rỗng để đóng hàng đang là tình trạng khó khăn chung cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hiện nay, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh.

Thiếu hụt container cũng đi kèm theo nhiều chi phí phát sinh khiến doanh nghiệp chịu thiệt. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Đà Nẵng. Ảnh: P.V
Thiếu hụt container cũng đi kèm theo nhiều chi phí phát sinh khiến doanh nghiệp chịu thiệt. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Lý giải về tình trạng thiếu hụt container xuất hiện thời gian gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty CP Kho vận Liên Chiểu Xanh Tô Văn Hiệp cho biết, cứ cuối năm là mùa cao điểm xuất, nhập khẩu để phục vụ cho nhu cầu tăng cao dịp lễ, Tết nên các công ty chuyên về sản xuất container có sự tính toán nhất định để cung ứng cho thị trường. Năm nay, do Covid-19 làm gián đoạn hoạt động thương mại nên container được đưa vào sử dụng mục đích khác như chứa hàng, hoặc đã cũ phải loại bỏ nhưng không được đầu tư bổ sung. Gần đây, giao thương hàng hóa tốt lên dẫn đến nhu cầu sử dụng container tăng trở lại nhưng không có container rỗng nhiều, dẫn đến tình trạng thiếu hụt như hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đây thực sự là một khó khăn lớn. Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu Lâm sản Đà Nẵng Huỳnh Trinh cho hay, đang là mùa cao điểm xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường châu Âu nên công ty xuất khẩu khoảng 12 container/tháng. Khoảng 1 tháng gần đây, công ty đã nghe thông báo về việc thiếu container rỗng tại cảng Đà Nẵng nhưng chưa lường trước được sẽ thiếu trầm trọng như hiện nay. Tuần vừa rồi, công ty đã phải “kéo” một container rỗng từ cảng Sài Gòn với chi phí vận chuyển 30 triệu đồng/container (tương đương hơn 1.300 USD), trong khi lúc chưa khan hiếm, 1 container rỗng chỉ có giá 150 USD. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết, doanh nghiệp cũng như nhiều công ty khác đã đăng ký để chờ container rỗng, chờ hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi nhưng hầu như không có container rỗng nên cũng phải tính đến phương án “kéo” container từ cảng khác về. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu hải sản tăng khoảng 20-30% nhưng giá hàng hóa xuất khẩu thì không tăng, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của đơn hàng.

Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì thiếu container đóng hàng, doanh nghiệp nhập khẩu cũng khó khăn vì thiếu container kéo theo cước vận chuyển tăng. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Việt Hương Nguyễn Trung Trực cho biết: “Giá cước vận chuyển đã tăng 5-10 lần tùy theo địa điểm vận chuyển container về Việt Nam. Nếu trước tháng 10 vừa rồi, giá vận chuyển một container 20 feet khoảng 150 - 200 USD thì nay chúng tôi nhận báo giá vận chuyển khoảng 800 - 1.500 USD, có nghĩa tăng gần 5-10 lần. Tuy giá đã cao nhưng thời gian vận chuyển về lâu nên càng làm gia tăng tình trạng thiếu container tại Đà Nẵng nhưng container bị “neo” ở nước ngoài lớn”. Theo ông Nguyễn Trung Trực, việc các doanh nghiệp xuất khẩu chờ xuất hàng và doanh nghiệp nhập khẩu chờ hàng về gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực phẩm phải tốn thêm chi phí bảo quản,…

Ông Tô Văn Hiệp cho biết, doanh nghiệp của ông cũng “kéo” các container rỗng từ các nước về Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, tuy nhiên cũng không có nhiều và giá container rỗng cũng bị “đội” lên 2-3 lần.

Theo ông Tô Văn Hiệp, hiện nay tình trạng thiếu container rỗng xuất hiện nhiều hơn ở loại 40 feet, loại 20 feet vẫn có nhưng vận chuyển như vậy sẽ tốn nhiều chi phí nên doanh nghiệp xuất khẩu lớn cũng ít lựa chọn. Thông thường, khối lượng vận chuyển hàng hóa container hay tăng cao trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, trước thềm mua sắm của nước Mỹ, sau đó duy trì khối lượng vận chuyển hàng hóa ở mức tương đối. Tuy nhiên trong năm nay, dù hiện tại đã cuối tháng 11, thế nhưng khối lượng hàng hóa vận chuyển vẫn duy trì ở mức cao. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua xuất hiện tình trạng thiếu container rỗng ở mức cao. Việc xuất hiện tình trạng trên một phần là vì các doanh nghiệp không ký hợp đồng dài hạn với các hãng tàu lớn, bởi vào mùa thấp điểm thì chi phí vận chuyển các hãng tàu nhỏ rẻ hơn nhiều. Nên khi xảy ra tình trạng thiếu hụt hiện nay, các hãng tàu lớn sẽ ưu tiên cho những doanh nghiệp đã ký hợp đồng lâu dài để vận chuyển, thay vì nhận những hợp đồng mới.

Ông Tô Văn Hiệp nhận định, tình trạng thiếu container rỗng có thể sẽ kéo dài tới hết quý 1-2021, chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự tính toán hợp lý vì thiếu container rỗng sẽ đi kèm theo nhiều thay đổi về giá cả và phụ phí vận chuyển khác.

    MAI QUẾ

Cảng Đà Nẵng vận hành Trung tâm điều hành và khai thác container

Cảng Đà Nẵng vừa cho biết đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành và khai thác container. Trung tâm có nhiệm vụ quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khai thác và điều hành, lập kế hoạch bốc xếp toàn bộ lượng hàng container, cũng như kiểm soát tất cả hoạt động tại hiện trường tàu - bãi - cổng trong dây chuyền khai thác qua cảng. Trung tâm Điều hành và khai thác container sẽ là nơi tổng hợp, chỉ huy, điều hành toàn bộ hoạt động trong dây chuyền khai thác hàng container qua cảng. Trung tâm còn có chức năng giám sát và quản lý từ tổng quan đến chi tiết từng tình huống, cung cấp về các hoạt động đang diễn ra trong dây chuyền xếp dỡ tại cảng. Đặc biệt, công nghệ được áp dụng tại trung tâm sẽ cho phép thực hiện phân tích dữ liệu lớn để đưa ra các cảnh báo; hỗ trợ công tác ra quyết định; xây dựng phương án tổ chức sắp xếp, mở rộng, điều hành quản lý trên tất cả lĩnh vực khai thác hàng hóa qua cảng Đà Nẵng.

Cảng Đà Nẵng cũng vừa nghiệm thu và đưa vào sử dụng 5 xe đầu kéo chuyên dùng nhãn hiệu Terberg, nâng tổng số đội xe đầu kéo chuyên dùng lên 22 xe phục vụ khai thác container tại cảng Tiên Sa. Cùng với việc đưa vào sử dụng 5 đầu kéo mới nâng tổng số đầu kéo container của cảng Đà Nẵng lên 34 xe; nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm chất lượng dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nữa sự tăng trưởng của hàng hóa container qua cảng. Trước đó, cảng Đà Nẵng vừa nghiệm thu và đưa vào sử dụng thêm 2 gầu ngoạm hai má điều khiển từ xa bằng sóng radio, nâng tổng số gầu ngoạm khai thác tại cảng Tiên Sa lên con số 20.

TRIỆU TÙNG

 

.