CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI XXII ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với nền kinh tế số

.

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định ngành công nghiệp công nghệ cao là 1 trong 3 trụ cột trong phát triển kinh tế của thành phố và chú trọng ưu tiên nguồn lực để phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn; trong đó có công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Lễ Khánh thành dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) - giai đoạn 1, ngày 29-3-2019.
Lễ Khánh thành dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) - giai đoạn 1, ngày 29-3-2019. Ảnh: PV

Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập tháng 10-2010; là 1 trong 3 Khu Công nghệ cao quốc gia đa chức năng của cả nước. Tổng diện tích quy hoạch Khu công nghệ cao Đà Nẵng là 1.128,4ha với 7 phân khu chức năng: khu sản xuất công nghệ cao; khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; khu quản lý - hành chính; khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao; khu phụ trợ và khu ở.

Tổng mức đầu tư là 8.841 tỷ đồng. Khu Công nghệ cao được thành lập nhằm trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học - kỹ thuật của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; hình thành và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao được thành lập từ năm 2010 nhưng hạ tầng bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2012. Nguồn vốn bố trí cho dự án này từ năm 2010-2019 là 2.510,2 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương: 1.482,018 tỷ đồng (tỷ lệ 59%), vốn ngân sách địa phương: 1.028,18 tỷ đồng (tỷ lệ 41%). Thành phố đã tập trung huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghệ cao. Đến nay đã hoàn thành được 95% khối lượng của giai đoạn 1, 100% khối lượng của giai đoạn 2, cung cấp gần 400 ha đất sạch để phục vụ công tác thu hút đầu tư. Thành phố đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 3 của dự án Khu Công nghệ cao.

Kể từ khi đi vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác thu hút đầu tư, giai đoạn 2012-2013, Khu Công nghệ cao đã thu hút 2 dự án FDI từ Nhật Bản đầu tiên là Tokyo Keiki và Niwa Foundry với tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD. Lũy kế gần 10 năm thành lập, tính đến tháng 5-2020, nơi đây đã thu hút được 20 dự án, trong đó có 10 dự án FDI với tổng số vốn là 399,6 triệu USD (chiếm 61,4%) và 10 nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn là 5855.9 tỷ đồng, tương đương với 250,95 triệu USD (chiếm 38,6%).

Công tác xúc tiến đầu tư, số lượng và quy mô vốn đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng ngày càng tăng, đặc biệt là giai đoạn từ 2015-2020. Tổng vốn đầu tư của năm 2016 là 68 triệu USD, năm 2017 là 45,6 triệu USD, năm 2018 là 157,46 triệu USD và năm 2019 là 181,14 triệu USD. Nổi bật là thu hút dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Mỹ) năm 2019 với tổng vốn 170 triệu USD. Điều này cho thấy Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang đi đúng hướng, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, trong đó có 7 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 250,5 tỷ đồng và 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD (chiếm 72% nguồn vốn FDI thu hút toàn thành phố). Lũy kế đến tháng 5, Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thu hút 484 dự án, trong đó 355 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng và 129 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,54 tỷ USD...

Doanh thu ở lĩnh vực công nghệ thông tin tăng trưởng 20%/năm

Thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển nhiều khu công viên phần mềm và khu công nghệ thông tin tập trung. Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (chiếm 14% tổng số doanh nghiệp) với gần 32.000 nhân lực. Doanh thu ở lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ trung bình 20%/năm.

Năm 2019, tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng ước đạt 30.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 89 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, ước nộp ngân sách 125 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng cao, từ 25% đến 30%.

Đáng chú ý, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 với diện tích 131 hecta, thuộc địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đang được xây dựng theo mô hình “thung lũng silicon” của Hoa Kỳ và tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin tập trung mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một trong những cộng đồng phát triển công nghệ thông tin tốt nhất châu Á, cung cấp những dịch vụ và nguồn nhân lực chất lượng cao, những sản phẩm công nghệ thông tin tốt nhất cho thế giới.

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình số 40-CTr/TU ngày 21-1-2020 về triển khai thực hiện chuyên đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ưu tiên những nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm”.

Chương trình xác định quan điểm, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trong đó, định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trên nền tảng lĩnh vực công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển với đầy đủ các chức năng nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa, sản xuất công nghệ cao, trong đó lấy chức năng nghiên cứu - phát triển làm hạt nhân. Đồng thời ưu tiên nguồn lực xây dựng các Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển, Ươm tạo, đào tạo hình thành tổ hợp nghiên cứu với đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, có phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Về công nghiệp công nghệ thông tin, có chiến lược tiếp cận, hội nhập, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nhất là hạ tầng mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, nền tảng công nghệ phục vụ thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…  

Mới đây, ngày 10-10, UBND thành phố tổ chức lễ khởi công công trình Khu Công viên phần mềm số 2 với tổng mức đầu tư gần 704 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Công trình có tổng diện tích hơn 28.500m2, được xây dựng tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Đây là công trình đặc biệt ý nghĩa đối với sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu ngành công nghệ thông tin - truyền thông, đóng góp 10% GRDP thành phố vào năm 2025 và 15% GRDP thành phố vào năm 2030.

Như vậy, với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, định hướng mới về thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng như lĩnh vực công nghệ thông tin kỳ vọng gặt hái nhiều thành quả, hướng đến xây dựng đô thị sáng tạo - khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai.

KIM NGÂN

;
;
.
.
.
.
.