Kinh tế

Vừa chống nhiễm mặn, vừa chủ động phòng lũ

13:39, 04/09/2020 (GMT+7)

Mực nước trong các hồ thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia đã hạ thấp. Hiện nay, các đơn vị chức năng vừa phải phòng, chống Covid-19, vừa tập trung vận hành hồ chứa, nhà máy thủy điện bảo đảm cấp nước, chống nhiễm mặn cho hạ du và vận hành giảm lũ nhất là trong tháng 9-2020.

Kỹ sư, công nhân của Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 vừa bảo đảm chống dịch, vừa bảo dưỡng và vận hành an toàn các tổ máy, phục vụ cấp điện, nước cho hạ du và sẵn sàng đón lũ, vận hành giảm lũ. 			Ảnh: HOÀNG HIỆP
Kỹ sư, công nhân của Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 vừa bảo đảm chống dịch, vừa bảo dưỡng và vận hành an toàn các tổ máy, phục vụ cấp điện, nước cho hạ du và sẵn sàng đón lũ, vận hành giảm lũ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế cho biết, theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, cứ đến ngày 31-8 hằng năm là phải vận hành hồ chứa về mực nước chết, chuyển qua trạng thái vận hành mùa lũ và tích nước. Mặc dù trong quy trình không có yêu cầu, nhưng để chủ động bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian chưa xuất hiện lũ, công ty để lại từ 1-2m nước trong hồ chứa (gần 10 triệu m3 nước) kết hợp với lưu lượng nước về hồ để vận hành chống nhiễm mặn, thiếu nước, đặc biệt là sau khi thành phố tháo dỡ đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ.

Để bảo đảm phòng chống lũ, công ty đã thành lập ban chỉ huy, đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại công trình. Đồng thời, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp, bảo đảm thông tin, cấp điện cho phụ tải quan trọng... phục vụ công tác bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ.

Phương án phòng, chống lũ năm nay được bổ sung, cập nhật thêm đầu mối thông tin của các bên. Tất cả các cán bộ, nhân viên tại các vị trí vận hành nhà máy, đập, hồ chứa đều cách ly với bên ngoài, bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 và vận hành thông suốt. Công tác vận hành xả tràn để phòng chống lũ sẽ được công ty tuân thủ đúng quy trình, quy định.

Công ty Thủy điện Sông Bung (quản lý, vận hành 2 hồ thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2) cũng đang tập trung dự báo chính xác lưu lượng nước về các hồ thủy điện để thực hiện phương án vận hành khai thác tối ưu nguồn nước, bảo đảm cấp điện cũng như cấp đủ nước và yêu cầu chống nhiễm mặn có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại thành phố Đà Nẵng. Đơn vị đã tổ chức diễn tập tại công trình Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 và tiến hành kiểm tra, khắc phục các hạng mục công trình, công việc... còn tồn tại cũng như sẵn sàng ứng phó mọi tình huống trong mùa mưa bão.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, qua thống kê, mùa mưa lũ chính vụ ở khu vực tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thường bắt đầu từ tháng 9 hằng năm. Hiện nay, vấn đề lo lắng nhất là đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ chưa được tháo dỡ mà đã đến sát mùa mưa lũ chính vụ.

Do đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn, tình hình mưa lũ, triều cường, xâm nhập mặn trên hệ thống sông Vu Gia từ nay đến ngày 31-8 và tùy tình hình vận hành cụ thể của các hồ thủy điện, có biện pháp ứng phó kịp thời tình trạng xâm nhập mặn tại Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng như có biện pháp ứng phó khi xảy ra mưa lũ lớn.

Sở Xây dựng đã chỉ đạo công ty nghiên cứu, tháo dỡ đập tạm ngăn mặn trước mùa mưa lũ chính vụ trên sông Vu Gia (thường bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 12 hằng năm) để tránh gây cản trở dòng chảy lũ, làm gia tăng tình trạng ngập lụt ở thượng lưu đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân trong mùa bão lũ năm nay.

HOÀNG HIỆP

.