Những điều thú vị về cầu Nguyễn Văn Trỗi

.

Trong những ngày qua, người dân thành phố thích thú khi chứng kiến cầu Nguyễn Văn Trỗi được nâng nhịp để tàu bè vào sâu trong sông Hàn tránh trú bão số 5.

Trước và sau bão số 5 vừa qua, cầu Nguyễn Văn Trỗi được kích nâng tạo tĩnh không cho tàu đánh cá, tàu du lịch di chuyển vào trong sông Hàn  để tránh bão. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Trước và sau bão số 5 vừa qua, cầu Nguyễn Văn Trỗi được kích nâng tạo tĩnh không cho tàu đánh cá, tàu du lịch di chuyển vào trong sông Hàn để tránh bão. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Kỷ vật của thời gian

Cầu Nguyễn Văn Trỗi song song với cầu Trần Thị Lý. Trước đó cầu Trần Thị Lý là cầu đường sắt được tháo dỡ để đầu tư xây dựng cầu dây văng mới như ngày nay, còn cầu Nguyễn Văn Trỗi được giữ nguyên hiện trạng như một kỷ vật của thành phố Đà Nẵng. Cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay, được Hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng những năm 1960, gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, không có lề dành cho người đi bộ và là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt tại khu vực miền Trung, cây cầu này được quân đội Mỹ xây dựng nhằm chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào nội đô Đà Nẵng.

Sau ngày đất nước thống nhất, cây cầu vinh dự mang tên người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, đến năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê-tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu tiếp tục được thay bằng các tấm thép. Cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam và được xem là tuyến đường bộ huyết mạch nối liền hai bờ đông - tây sông Hàn cho đến khi cầu quay Sông Hàn được đưa vào sử dụng từ năm 2000.

Theo nguồn tư liệu lưu trữ của phóng viên Báo Đà Nẵng, sau chuyến công tác thực tế ngày 1-2-2012, ngày 2-2-2012, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã có ý kiến chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng nghiên cứu giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi mang đầy dấu ấn lịch sử. Ở thời điểm này, thành phố có chủ trương tháo dỡ toàn bộ cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi để đầu tư thi công cầu Trần Thị Lý hiện nay. Sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, Sở Giao thông vận tải chỉ tháo dỡ cầu Trần Thị Lý cũ và giữ nguyên cầu Nguyễn Văn Trỗi (theo kế hoạch tháo dỡ vào năm 2013).

Cùng với việc chỉ đạo giữ nguyên cầu Nguyễn Văn Trỗi, lãnh đạo Thành ủy cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố nghiên cứu giữ lại cây cầu có kết cấu dạng cầu giàn thép Poni với kiến trúc khá đẹp này và biến thành cầu đi bộ; đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp để người dân và du khách có thể dừng trên cầu nghỉ ngơi, vãn cảnh sông Hàn cùng vẻ đẹp của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) sau khi hoàn thành.

Việc lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố có chủ trương giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi được người dân đồng tình, hưởng ứng bởi cây cầu này vừa như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao đổi thay của quê hương, vừa như một công trình phục vụ du lịch. Ngoài việc chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng cầu Nguyễn Văn Trỗi; lãnh đạo Thành ủy cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu hai phương án để tạo tĩnh không thông thủy cho các loại tàu thuyền, chủ yếu tàu du lịch vào sâu trong sông Hàn tương ứng độ cao thông thủy của cầu Trần Thị Lý mới.

Phương án cụ thể là hoặc dỡ bỏ một trụ giữa, dùng kích điện để nâng đoạn cầu giữa sông lên khi có tàu du lịch qua, hoặc làm mái vòm đoạn cầu giữa sông, tức là đoạn cầu giữa sẽ được cuốn cong lên thành một mái vòm để tạo độ cao cho tàu du lịch thông thương.

Giám đốc Công ty CP Quản lý cầu đường Đà Nẵng Nguyễn Thành Được cho biết, sau khi thành phố quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm cầu đi bộ phục vụ du lịch, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện cải tạo, nâng thủy lực một nhịp cầu. “Hiện nay tĩnh không cầu tương đối thấp nhưng nếu tàu du lịch qua lại có thể nâng một nhịp lên cao thêm 3m.

Vì là cầu dành cho người đi bộ, du lịch nên vật liệu thiết kế đoạn cầu kích nâng bằng điện rất nhẹ, chỉ cần vài phút để nâng nhịp cho tàu qua lại. Vừa thuận tiện mà du khách cũng thích thú”, ông Được nói. Đây cũng là điều ấn tượng đối với người dân thành phố trong những ngày qua khi cầu được kích nâng.

Dấu ấn kỹ sư cầu đường Đà Nẵng

Hiện thực hóa ý tưởng và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND và Sở Giao thông vận tải giữ lại tính nguyên bản, không để các chi tiết mới làm hỏng nét cũ. Ở hai đầu cầu có thể thiết kế công viên để du khách đến tham quan, du lịch… Tháng 3-2015, Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng BK-ECC đã đề xuất lên lãnh đạo thành phố phương án thiết kế và cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Năm 2012, thành phố quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm cầu đi bộ.
Năm 2012, thành phố quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm cầu đi bộ.

Ngoài mục đích xây dựng cầu đi bộ, đơn vị thiết kế thêm các điểm dừng chân, thưởng ngoạn cho du khách, phương án này còn đặc biệt chú ý đến việc sử dụng kích nâng nhịp cầu nhằm bảo đảm thông thuyền phục vụ tuyến du lịch đường sông. Hai bên đầu cầu sẽ bố trí hai bãi đỗ xe. Thiết kế cho phép người đi bộ, xe đẩy người tàn tật có thể lên được cầu, lắp đặt các trạm phát sóng wifi miễn phí và các ghế đá để du khách ngồi nghỉ ngơi, lướt web.

Kỹ sư Mai Triệu Quang, Giám đốc Công ty BK-ECC Đà Nẵng cho hay, đơn vị tư vấn đã tiến hành công tác khảo sát và đo vẽ lại hiện trạng cầu cũ, tính toán trọng lượng nhịp cầu cần nâng và đề xuất thay thế toàn bộ vật liệu mặt cầu cũ bằng vật liệu nhẹ và gọn hơn. Mặt khác, tại các vị trí thừa của trụ sẽ thêm sàn vọng cảnh cao hơn mặt cầu hiện tại khoảng 50cm để trưng bày các quầy, hàng lưu niệm gắn với sản phẩm du lịch địa phương. Hệ thống lan can được lắp đặt có tính mỹ quan cao cho cầu bộ hành. Kết cấu khung giàn thép được sơn màu vàng đặc trưng. Ngoài ra còn có hệ thống chiếu sáng trang trí và hệ thống phun nước.

Đồng thời xem xét đặt phòng triển lãm thông tin thiết kế về các cây cầu bắc qua sông Hàn với diện tích sàn mái che hình lá thân thiện với môi trường, vừa làm mái che, vừa áp dụng công nghệ bền vững để lấy năng lượng mặt trời dùng cho việc thắp sáng, duy trì năng lượng cho các khu mua sắm, tạo nên điểm nhấn lãng mạn của cầu Nguyễn Văn Trỗi nhằm thu hút khách. Hồ sơ thiết kế cải tạo dự án cầu Nguyễn Văn Trỗi do Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng BK-ECC Đà Nẵng lập được thành phố phê duyệt và đơn vị BK-ECC làm giám sát thi công.

Kỹ sư Mai Triệu Quang cho biết, hệ thống điều khiển, nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi được thực hiện cải tạo vào năm 2015, với tên dự án “Cung cấp thiết bị, thi công lắp đặt và chuyển giao công nghệ hệ thống điều khiển và giám sát nhịp nâng cầu phục vụ thông thuyền tại cầu Nguyễn Văn Trỗi”. Ở nhịp nâng này, số kích nâng là 4, với tải trọng nâng 1 kích là 100 tấn, vận tốc nâng 0,233m/phút. Hành trình nâng với độ cao 3,6m. Chiều dài nhịp thông thuyền được nâng là 36,45m.

Có lẽ, rất nhiều người sau khi những hình ảnh chụp cây cầu nâng nhịp này mới biết đến sự thú vị này. Vậy là ở Đà Nẵng, ngoài cầu quay Sông Hàn, thì còn có cầu nâng nhịp Nguyễn Văn Trỗi. Chắc chắn nhiều người sẽ vẫn muốn được mục kích thường xuyên việc nâng nhịp cầu này khi cầu thực sự đưa vào khai thác thành sản phẩm du lịch.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.